Cải thiện cuộc sống nhờ quỹ tương trợ

Thứ ba - 26/06/2018 21:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Xây dựng quỹ tương trợ Công đoàn là một trong những cách làm hay được các cấp Công đoàn ở nhiều nơi duy trì và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Không chỉ góp phần chăm lo đời sống cho Công đoàn viên và NLĐ, mô hình còn khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, tạo mối quan hệ thân thiện, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên và NLĐ.​

Phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đoàn viên, NLĐ

Là cán bộ Hội Nông dân thị trấn, anh Trần Thành Long, đoàn viên CĐCS thị trấn Tân Phú nắm rõ kỹ thuật của một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên như: chăn nuôi dê, thỏ... Nhưng ngặt nỗi, đồng lương hạn hẹp, gia cảnh khó khăn nên trước đó anh chưa có điều kiện để thực hiện. Từ khi tham gia vào quỹ tương trợ Công đoàn do CĐCS thị trấn thành lập và quản lý, anh đã được hỗ trợ nguồn vốn vay không lãi suất, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình. Từ đó, anh Long có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng và mua dê giống về chăn nuôi. Mặt khác, nhờ “nằm lòng” kỹ thuật chăn nuôi, mô hình đã nhanh chóng mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho gia đình anh. Từ chỗ thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh đã dần vươn lên thoát nghèo và cuộc sống ngày càng ổn định, phát triển. 


 Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Phú Nguyễn Tấn Thịnh (trái) thăm hỏi các đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm trên địa bàn huyện.

Chủ tịch CĐCS thị trấn Tân Phú Châu Bích Phụng phấn khởi cho biết, từ năm 2012 đến hết năm 2017, quỹ đã hỗ trợ 27 lượt đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. CĐCS thị trấn có 53 cán bộ, công chức viên chức, NLĐ thì tất cả đều là đoàn viên Công đoàn và tích cực tham gia vào mô hình quỹ tương trợ Công đoàn. Cứ mỗi tháng, mỗi Công đoàn viên sẽ đóng góp vào quỹ 100.000 đồng. Tổng số quỹ hiện tại khoảng 100 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có 5 trường hợp được hỗ trợ với mức 3 - 5 triệu đồng/người/lượt. 

Theo chị Phụng, sở dĩ mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của tất cả đoàn viên là bởi mức đóng góp và mức cho vay phù hợp với thu nhập và  nhu cầu vay vốn thường trực của đoàn viên, NLĐ. Số tiền đóng góp 100.000 đồng/tháng không quá lớn, không “áp lực” với đoàn viên. Số tiền cho vay 3 - 5 triệu đồng/ người/lượt tuy chưa phải là nhiều, nhưng tạm đủ để họ sửa sang, xây dựng chuồng trại hay mua con giống để phát triển chăn nuôi ở quy mô gia đình hoặc đóng học phí cho con hay mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình… 

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Tính đến cuối nhiệm kỳ 2013 - 2018, toàn huyện Tân Phú có 121 CĐCS trực thuộc với 4.942 đoàn viên/5.215 lao động. Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Tân Phú Nguyễn Tấn Thịnh cho hay, mô hình hoạt động đã duy trì hiệu quả và không ngừng phát triển nhân rộng đến hầu hết các CĐCS trực thuộc. Tính từ năm 2013 đến nay, quỹ đã hỗ trợ cho 3.600 lượt CNVCLĐ vay với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn huyện còn phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị bảo lãnh, tạo điều kiện cho hơn 3.700 lượt đoàn viên vay vốn tín chấp ngân hàng với tổng số tiền trên 34 tỷ đồng; thực hiện 2 dự án giải quyết việc làm… Từ đó đã giúp nhiều đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn giải quyết khó khăn trước mắt, vươn lên ổn định cuộc sống, an tâm công tác, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Cùng với LĐLĐ Tâp Phú, các cấp Công đoàn huyện Cẩm Mỹ cũng đã tổ chức xây dựng và duy trì hiệu quả quỹ tương trợ trong đoàn viên, NLĐ suốt nhiều năm qua. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, quỹ đã xét hỗ trợ cho 1.319 lượt Công đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Hiện LĐLĐ huyện đang quản lý 111 CĐCS với 3.853 đoàn viên/3.894 CNVCLĐ. 

Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Cẩm Mỹ Trương Văn Hòa cho rằng, trong điều kiện mặt bằng chung đời sống của đoàn viên, NLĐ trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thời gian qua, quỹ tương trợ Công đoàn đã khẳng định được ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ. Quỹ dù hỗ trợ đoàn viên với số tiền chưa nhiều nhưng lại thỏa mãn được mong muốn của đa số đoàn viên là phát triển thêm mô hình kinh tế phụ tại nhà, tăng thêm thu nhập hay việc học tập, mua sắm dụng cụ trong gia đình… Theo anh Hòa, điểm đặc biệt ở mô hình này còn là chỗ, dù tất cả đoàn viên đều tích cực tham gia đóng góp vào quỹ, nhưng việc xét duyệt hỗ trợ cho vay vốn sẽ ưu tiên hơn đối với những đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn… Cũng từ đó, mô hình đã giúp phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên, NLĐ ở từng cơ quan, đơn vị.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, đại diện nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở cho biết, sẽ tiếp tục phổ biến để đoàn viên, NLĐ hiểu rõ mục đích hoạt động của quỹ tương trợ; vận động đoàn viên, NLĐ tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ tương trợ và nhân rộng mô hình trong đoàn viên, NLĐ; xác định đây chính là mô hình hiệu quả trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ.

Hồ Thảo

Tác giả: Hồ Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây