1. Chiều 25-6, khi tiếng trống báo giờ làm bài thi môn Toán đã hết cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa. Những phụ huynh đợi con ngoài cổng trường vội vã khoác áo mưa cho khỏi ướt. Nhóm thanh niên tình nguyện người thì khoác áo mưa, người thì bung ô (dù) chạy vào sân trường để đón những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi. Những hình ảnh thật đẹp. Nhưng chỉ một lúc sau, khi số thí sinh ra ngoài ngày càng đông thì số sinh viên tình nguyện ít ỏi kia cũng chẳng thể “quản” nổi. Một số thí sinh đội mưa chạy nhanh về phía cha mẹ. Số đông còn lại đợi ngớt mưa rồi mới ra về...
Cuối buổi thi, khi những thí sinh cuối cùng đã về, một nhóm sinh viên tình nguyện ở lại thưa chuyện với thầy phó điểm thi. Các bạn xin phép thầy, nếu ngày mai chẳng may trời mưa thì sẽ đội ô để đưa - đón thí sinh đến tận phòng thi. Tất nhiên, đề nghị này của các bạn không được đồng ý.
Không chỉ trời mưa, ngay cả khi trời nắng, nhiều “chiến sĩ” tình nguyện cũng vội vã cầm ô chạy lại đón những thí sinh ra sớm nhất tại các điểm thi, rồi lại “vỡ trận” vì thí sinh đông quá, che… không nổi. Khoan bàn đến nội quy trường thi, hành động che ô cho từng thí sinh, một cách “nuông chiều” như thế, sẽ gây nên sự phản cảm cho người nhìn.
Đúng là kỳ thi này rất quan trọng với các “sĩ tử”, nếu sức khỏe không tốt có thể ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các em đều đã đủ tuổi công dân, tuổi không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn phải bắt đầu lo nghĩ cho tương lai, vận mệnh của Tổ quốc. Nếu ngay cả những kỹ năng cơ bản như chuẩn bị áo mưa khi trời mưa mà các em cũng không làm được thì ta có thể trông chờ gì ở các em? Yêu thương, lo lắng không có nghĩa là nuông chiều quá mức. Hãy để các em biết cách tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm với bản thân từ những việc nhỏ nhặt để sau này các em biết cách chịu trách nhiệm với những điều to lớn hơn.
2. Còn nhớ hai năm trước, khi thí sinh phải “đổ dồn” về TP. Biên Hòa để dự thi. Lúc đó, lực lượng sinh viên tình nguyện được huy động khá đông. Các “chiến sĩ” này đã làm được rất nhiều việc, góp phần tạo nên thành công của kỳ thi như: Liên hệ nhà trọ, hướng dẫn thí sinh đi thi, hỗ trợ phát cơm, nước miễn phí cho thí sinh, hỗ trợ điều tiết giao thông tại các điểm thi... Tuy nhiên, nhiều hình ảnh, “khoảnh khắc” không đẹp của các bạn cũng đã khiến không ít phụ huynh “phiền lòng”: Các bạn đùa giỡn to tiếng một cách quá trớn; nói những câu nói, làm những hành động thiếu tế nhị... giữa nơi đông người.
Cũng trong chương trình tiếp sức mùa thi, rất nhiều chiến sĩ tình nguyện đã nắm tay nhau tạo thành một “dải phân cách sống” trên đường để phân luồng giao thông sau giờ thi. Thoạt nhìn, hình ảnh này có vẻ rất đẹp, một phần nhờ những màu áo xanh tình nguyện và những khuôn mặt tươi trẻ tràn đầy sức sống. Nhưng cách làm này liệu có cần thiết không?
Tôi nhớ đến cách điều tiết giao thông ở một trường tiểu học trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Sau giờ tan trường, một vài học sinh được điều động để cùng điều tiết giao thông với chú bảo vệ. Chỉ cần 4 em thôi, chia làm 2 hàng đứng ở 2 bên đường, mỗi em nắm 1 đầu dây thừng. Khi các em cùng căng dây sẽ tạo thành một barie. Lúc này, xe cộ ở cả 2 phía đều ngừng lại, các bạn học sinh có thể thoải mái qua đường mà không sợ xe tông. Khi các em hạ dây xuống, xe cộ lại lưu thông. Cứ lần lượt như thế, chẳng cần đến “dãi phân cách sống” mà vẫn trật tự, an toàn.
3. Các bạn thanh niên, nhất là đoàn viên làm thanh niên tình nguyện luôn có sẵn “máu” xung kích, sự xông xáo, nhiệt tình. Nhưng như thế chưa đủ. Các bạn là những trí thức tương lai. Vì vậy, mỗi hoạt động, dù chỉ mang tính phong trào, cũng cần thể hiện được tầm tri thức của các bạn, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Để làm được điều này, bản thân các bạn đoàn viên cần tự nâng cao kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần có những hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn; giúp các bạn đoàn viên, thanh niên nâng cao được ý thức chính trị, ý thức rõ hơn về vai trò của đội ngũ trí thức trong xã hội. Từ đó, mỗi thanh niên có được những suy nghĩ, hành động, lời nói chuẩn mực. Tổ chức Đoàn phải tìm cách nâng “chất” của tổ chức mình, để mỗi đoàn viên khi khoác lên màu áo Đoàn, màu áo tình nguyện phải thể hiện được tinh tuý, bản lĩnh của tuổi trẻ. Có như vậy, màu áo xanh tình nguyện mới thực sự nhận được sự tin yêu, cảm mến của mọi người dân.
Tường Vi
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập