Có một gia đình yên vui, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười luôn là mục tiêu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, để đạt được điều đó là cả một quá trình lâu dài, cần sự nỗ lực vun đắp, xây dựng hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình. Khi được hỏi bí quyết để xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, nhiều người cười xòa cho rằng họ “chẳng có bí quyết gì”, ngoài trọn đời yêu thương và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
Gia đình là chỗ dựa
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, lại đông anh em, anh Nguyễn Thành Tùng (công nhân Công ty Hossack, KCN Amata), sớm bươn chải với cuộc sống mưu sinh rồi lập gia đình với chị Nguyễn Thị Tiến. Cuộc sống càng vất vả hơn khi những đứa con lần lượt chào đời. Dù có nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống, song gần 20 năm qua, gia đình anh vẫn đong đầy tiếng cười cùng 2 đứa con ngoan ngoãn.
Để có ngần ấy thời gian hạnh phúc bên nhau, anh Tùng - chị Tiến đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Chị Tiến nhớ lại: “Hơn 20 năm trước, tôi khăn gói theo anh chị từ Bắc vào Nam tìm việc. May mắn tôi được nhận vào làm công nhân ở Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa). Duyên số, tôi và anh Tùng gặp nhau, tìm hiểu một thời gian và quyết định tiến đến hôn nhân. Thời điểm đó, gia đình 2 bên đều nghèo khó, vợ chồng phải đi thuê phòng trọ làm chỗ “an cư” và đi làm công nhân nuôi 2 con nhỏ. Những năm tháng ấy vất vả vô cùng. Giờ nhớ lại, không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được”.
Ý thức rõ cha mẹ ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các con nên vợ chồng anh luôn vun đắp lối sống hòa hợp, cư xử với cha mẹ, mọi người xung quanh hòa nhã, đúng mực để làm gương cho con. Trong nuôi dạy con, anh chị tập cho con thói quen tự giác học tập, rèn cho con đức tính cần cù, biết quý trọng đồng tiền. Nhờ đó, 2 con của anh chị là Hải Yến (THPT Lê Hồng Phong) và Thành Hiếu (Trường tiểu học Hà Huy Giáp) đều chăm ngoan và nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Hỏi về bí quyết để xây dựng hạnh phúc gia đình, chị Tiến cười hiền nói: “Dù có lúc nghèo khó, nhưng vợ chồng tôi không nản mà tìm cách vượt qua bằng chính sự cần cù lao động. Tất nhiên là cả hai người cùng bàn bạc, thống nhất cách làm. Vợ chồng tôi tâm đắc và thực hiện theo quan điểm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để giữ gìn, vun đắp hạnh phúc gia đình”.
Cũng như gia đình anh Tùng - chị Tiến, vợ chồng anh Sông Đông - chị Phương Anh (phường Trảng Dài) và 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi là mẫu gia đình hạnh phúc nhiều người mơ ước. Chị Phương Anh là giáo viên dạy tiểu học ở phường Trảng Dài, còn anh Sông Đông dạy năng khiếu tự do. Tình yêu nghề giáo là mối duyên đưa họ đến với nhau, cũng là chất keo gắn kết họ suốt 15 năm cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Chia sẻ về cuộc sống gia đình, anh Đông cho biết: Phương Anh là người vợ đảm đang, chu toàn và là “hậu phương”, là “chỗ dựa” vững chắc để anh chuyên tâm với công việc của mình. Theo anh Đông, sự đoàn kết, thương yêu trong gia đình chính là nền tảng giúp gia đình anh vượt qua những bão tố, xây dựng mái nhà trở thành chỗ dựa vững chắc cho mỗi thành viên. “ Ông bà ta từng dạy “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Khi cảm thấy mình được tôn trọng, tin tưởng nhau thì sẽ cùng chung sức, chung lòng để cố gắng hơn nữa trong mọi công việc”, anh Đông nói.
Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương
Theo Sở VH-TTDL, Ngày gia đình Việt Nam 28-6 năm nay có chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm tiếp tục nêu cao và khẳng định ý nghĩa của bữa cơm gia đình trong việc gắn kết các thành viên, xây dựng mối quan hệ bền chặt và xây dựng hạnh phúc gia đình. Tăng cường tuyên truyền các thông điệp: “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”; “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, “Xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh”, “Hạnh phúc gia đình là yêu thương và chia sẻ”...
Năm nay, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ được Bộ VH-TTDL phát động trên toàn quốc vào đúng Ngày gia đình Việt Nam trong khung giờ từ 17 đến 19 giờ, với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Bên cạnh đó, Bộ VH-TTDL còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cả nước với chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”.
Chung tay vun đắp hạnh phúc
Nói về xây dựng gia đình hạnh phúc, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL) Trần Anh Thơ cho rằng, cần giải quyết triệt để vấn đề bạo lực gia đình và tuyên truyền giữ gìn nếp sống gia đình, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Những năm gần đây, công tác gia đình đã được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động được tổ chức như: tập huấn, tổ chức hội thi, tọa đàm, giao lưu gia đình văn hóa; in ấn tài liệu về gia đình; tuyên truyền bằng pano tại các khu vực công cộng; xây dựng các mô hình: “Gia đình phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”…
Cũng theo bà Trần Anh Thơ, hiện, toàn tỉnh có trên 96% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; có 615.324/623.201 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98,78%. Gia đình hạnh phúc là nền tảng của mọi thành công. Để bảo vệ hạnh phúc, xây dựng gia đình văn hóa, yếu tố quan trọng nhất là mỗi thành viên trong gia đình phải không ngừng yêu thương và sẻ chia. Ông bà, cha mẹ phải nêu gương, bao dung, cảm thông, con cháu phải lễ phép, ngoan ngoãn.Chỉ khi nào hiểu được ý nghĩa của một gia đình hạnh phúc thì mọi người mới cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Đặng Thanh Thủy cho biết: Thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tăng cường phối hợp với các sở ngành, đặc biệt là truyền thông tuyên truyền rộng khắp phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc và phát triển bền vững. Chủ động đề xuất tổ chức thêm các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao nhân ngày Gia đình Việt Nam nhằm động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.
Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ năm 2018: Đồng Nai đoạt giải tư toàn đoàn
Với chủ đề “Hạnh phúc gia đình là yêu thương và chia sẻ”, trong 3 ngày (từ 20 đến 22-6), 21 gia đình văn hóa tiêu biểu đến từ 7 tỉnh Đông Nam bộ đã tranh tài sôi nổi trong Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ IX-2018.
Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức đã trao 46 giải tập thể và cá nhân cho các tỉnh, gia đình tham gia. Trong đó, đoàn Đồng Nai đoạt giải tư toàn đoàn (giải nhì phần thi tự giới thiệu; 4 giải khuyến khích phần thi năng khiếu và thi thể thao; 1 giải phụ trang phục biểu diễn đẹp nhất).
Không chỉ là nơi các gia đình gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình, Ngày hội còn là diễn đàn để tôn vinh các gia đình tiêu biểu, văn hóa của các địa phương trong khu vực. Đây được xem là sự kiện lớn với ý nghĩa hành động thiết thực trong công tác gia đình và góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
N. Quỳnh - L. Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập