Vốn đầu tư không quá cao, không mất công chăm sóc nhưng nguồn lợi kinh tế thu lại khá cao, những “lợi điểm” này khiến nghề nuôi dơi lấy phân phát triển khá mạnh những năm qua trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh mô hình nuôi loại động vật hoang dã này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh gây nguy hiểm với con người.
Nghề “nhẹ nhàng” cho thu nhập cao
Năm 2013, ông Phan Văn Minh, ngụ ấp 4, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu bắt đầu nghề nuôi dơi lấy phân sau khi nhận thấy một số hộ trong vùng nuôi dơi lấy phân để bón cho vườn cam, quýt mang lại hiệu quả cao.
Để có được một chòi nuôi dơi với diện tích hơn 50m2, ông Minh đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua vật liệu và xây dựng. Với mục đích không chỉ tận thu nguồn phân dơi mà còn sử dụng dơi để tiêu diệt một số loài vật gây hại cây trồng như muỗi, bướm, rầy… ông Minh quyết định xây dựng chòi nuôi ngay giữa vườn cây ăn trái rộng 6 ha của gia đình. Sau khoảng 5 năm, từ chỗ chỉ có vài con dơi mồi, hiện đàn dơi của gia đình ông Minh đã lên đến hơn 30.000 con. “Chỉ riêng lượng phân thu được mỗi năm khoảng 5 tấn, tính ra tiền bán phân dơi đã cho gia đình nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng. Không những vậy, từ khi nuôi dơi, các loại sâu phá hoại cây trồng cũng giảm hẳn”, ông Minh nói về những lợi ích khi nuôi dơi.
Theo ông Minh, chòi nuôi dơi phải xây dựng cao ráo, thoáng mát, gần hồ nước để ban đêm dơi bay xuống hồ uống. Chòi dơi phải được vệ sinh sạch sẽ, cách xa khu dân cư để giữ yên tĩnh cho loài dơi trú ẩn. Ngoài ra, chòi cần phải được che chắn cẩn thận nhằm không để cú mèo, bìm bịp, diều hâu, rắn, tắc kè… tấn công dơi.
Ở xã Phú Lý, gia đình bà Lê Thị Bích Em ngụ ấp 1 được xem là một trong những hộ tiên phong trong việc nuôi dơi lấy phân tại xã vùng sâu này. Theo bà Em, chòi nuôi dơi có thể tận dụng các vật liệu rẻ tiền như: cây dừa, cây tre, cây tràm hoặc cây rừng ... Tuy nhiên, hiện phần lớn các chòi nuôi dơi đều được người nuôi xây dựng kiên cố để có thể nuôi được đàn lớn và lâu năm. Theo đó, những chòi này thường được xây dựng bằng bê tông, sắt, thép để có thể nuôi hàng chục ngàn con dơi. “Mỗi chòi như vậy chi phí đầu tư vào khoảng 100 triệu đồng”, bà Em cho biết.
Theo bà Em, việc nuôi dơi, ngoài vốn đầu tư ban đầu, công đoạn khó nhất chính là việc “dụ” dơi về chòi sống. Loài dơi được nuôi chủ yếu hiện nay là dơi muỗi (còn gọi là dơi chuột vì nhỏ như chuột nhắt, trọng lượng mỗi con khoảng vài chục gram). Loại dơi này chỉ ăn muỗi, bướm, rầy... không phá hoại cây trái của nhà nông như các loại dơi khác. Để “dụ” được dơi về sống, người nuôi phải khảo sát chọn vị trí đặt chòi ở những nơi chúng thường bay qua hoặc có nhiều thức ăn cho dơi. “Ban đầu, chỉ có ít con vào chòi sống. Những con này được gọi là dơi mồi, sau đó chúng sẽ thu hút thêm những con dơi khác về cùng sống”, bà Em cho hay.
Theo các hộ nuôi, một trong những “nguyên liệu” không thể thiếu của các chòi nuôi dơi chính là lá thốt nốt. “Dơi chỉ đến ở các trại có ổ được làm bằng lá thốt nốt nên việc lựa chọn loại lá này làm tổ cũng đòi hỏi yêu cầu cao”, chị Trần Thị Diệu, chủ trại dơi ấp 6, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho hay. Theo chị Diệu, để có được nguồn lá thốt nốt tốt, chị và các chủ trại dơi khác phải mua lá thốt nốt tận Campuchia. “Giá bình quân khoảng 16.000 đồng/tàu. Mỗi chòi nuôi bình quân phải treo trên 200 tàu lá, mới có thể dẫn “dụ” dơi thành công”, chị Diệu cho hay.
Hiện gia đình chị Diệu có 3 trại nuôi dơi lấy phân với hàng chục ngàn con dơi. Theo chị Diệu, nuôi dơi ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn và “dày công” lúc dẫn dụ dơi về sống thì sau đó nuôi rất nhẹ nhàng. Bởi, nuôi dơi không tốn chi phí mua thức ăn do đây là loài động vật hoang dã tự kiếm ăn ngoài tự nhiên. Cũng chính điều này nên sản lượng phân dơi thường tăng giảm theo mùa. “Mùa mưa thì 3 trại dơi của tôi cho khoảng 3kg phân/ngày, mùa mưa khi nguồn thức ăn trong tự nhiên phong phú hơn, sản lượng phân dơi thu được có thể tăng lên gấp đôi. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg, mỗi tháng, gia đình tôi có nguồn thu khoảng 6 triệu đồng từ tiền bán phân dơi”, chị Diệu cho biết.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh
Với nguồn lợi khá lớn và ổn định từ nuôi dơi, nghề này hiện đang được phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do dơi là một loài động vật hoang dã nên việc phát triển ồ ạt cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống con người, nhất là nguy cơ phát tán các dịch bệnh.
Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng cho hay, nghề nuôi dơi hiện được xem là một nghề tốt để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ngoài nguồn lợi thu được từ phân dơi, nuôi dơi còn giúp kiểm soát một số dịch bệnh đối với các vườn cây trồng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, khi đầu tư, bà con nông dân cần đến cơ quan kiểm lâm sở tại để đăng ký nuôi. “Khi đăng ký, người nuôi sẽ được nhân viên kiểm lâm hướng dẫn về thủ tục, tránh việc tự ý nuôi sẽ vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời khi khai báo, người nuôi sẽ được lực lượng kiểm lâm hỗ trợ thêm về kỹ thuật nuôi, cách phòng bệnh”, ông Dũng cho biết thêm.
Đặc biệt, theo ông Dũng, một vấn đề mà những người đã và đang có ý định nuôi dơi lấy phân cần lưu ý đó là tương tự như các loài động vật hoang dã khác, dơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về các dịch bệnh có thể phát tán và gây hại cho người. Một trong số đó là bệnh dại, một loại bệnh có thể gây chết người. Chính vì vậy, người nuôi cần hết sức chú trọng việc phòng, trị bệnh cho dơi, đặc biệt chuồng nuôi cần cách xa khu dân cư.
Quỳnh Nhi
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập