Thông qua đề án điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính

Thứ ba - 20/01/2015 08:37
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​Sáng 16-1, tại hội trường Trụ sở Khối nhà nước  tỉnh đã diễn ra kỳ họp thứ 13 (bất thường) để thông qua đề án điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa. ​ 

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và 73/79 đại biểu HĐND tỉnh. 

*Cần thiết phải điều chỉnh
 
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Trần Văn Tư cho biết việc kỳ họp thứ 13 xem xét thông qua đề án thành lập mới 7 phường, xã, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính 17 phường, xã xuất phát từ tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Đây là việc làm cần thiết mang yếu tố khách quan trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, thành lập đơn vị hành chính phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế về diện tích, quy mô dân số, các điều kiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và các quy định của pháp luật hiện hành.

 

tin4_2001.jpg 
 Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Đề án điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã.
 
Cũng theo đồng chí Trần Văn Tư, hiện nay Đồng Nai là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa tăng nhanh, tình hình tăng dân số cơ học lớn. Địa giới hành chính hiện hữu của một số phường, xã trên địa bàn các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa đã không còn phù hợp, từ đó tạo khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước do địa bàn rộng, dân số đông.
 
Trình bày tờ trình của UBND tỉnh về việc thông qua đề án điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Đề án đã được chuẩn bị khá kỹ càng trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương đối với một số nơi có đường địa giới hành chính chưa hợp lý và có quy mô diện tích rộng, dân số đông, tình hình an ninh, trật tự phức tạp”.
 
Cụ thể, TP. Biên Hòa hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân  từ nhiều địa phương trong cả nước tới làm ăn sinh sống ngày một nhiều, tập trung chủ yếu ở một số phường, như: Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong, Trảng Dài… Với tính chất và quy mô của các phường hiện có phần nào sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý trên địa bàn, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, hộ tịch, thủ tục hành chính… Đại biểu Nguyễn Phú Cường (tổ đại biểu TP. Biên Hòa) cho biết hiện nay ở một số phường hình thành cụm dân cư, nhìn tổng thể là chưa phù hợp, như Công viên chiến thắng Long Bình thuộc phường Bình Đa và KP.11, phường An Bình được ngăn cách bởi quốc lộ 1 nên có vị trí xa UBND phường khiến công tác quản lý, an ninh trật tự trên địa bàn phường nhiều năm qua gặp khó khăn. Chính vì vậy việc thành lập mới, điều chỉnh là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được sự trông đợi của người dân.
 
*Thêm cơ hội phát triển
 
Theo đề án đã được thông qua, TP.Biên Hòa có 8 phường điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó hình thành thêm 4 phường mới từ một số phường phải điều chỉnh, chia tách. Cụ thể, có 6 phường điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách một phần diện tích để thành lập phường mới (Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong, Trảng Dài, Bình Đa và An Bình) hoặc chuyển sang phường lân cận quản lý (Tân Phong) để thành lập phường mới. 2 phường điều chỉnh, nhận thêm một phần diện tích từ phường lân cận chuyển sang để quản lý (Quang Vinh và Trung Dũng nhận từ phường Tân Phong). 4 phường được thành lập mới, gồm: Long Tân, Tân Long, Bàu Hang và Hố Cạn.
 
Đối với huyện Thống Nhất, thành lập 1 đơn vị hành chính cấp xã là thị trấn Dầu Giây trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch liên quan đến 3 xã, gồm:  Bàu Hàm 2, Xuân Thạnh và Hưng Lộc. Đây là đơn vị hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt là đô thị loại V, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, như tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, tỉnh lộ 769 và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị hoàn thành. “Nhân dân Thống Nhất đang rất trông chờ vào việc hình thành thị trấn Dầu Giây nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển” - đồng chí Nguyễn Hòa Hiệp, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất,  khẳng định.
 
Đối với huyện Định Quán, xã Thanh Sơn phải điều chỉnh địa giới hành chính theo phương án chia, tách thành 2 xã mới (Thanh Sơn và Bàu Kiên) trên cơ sở nguyên trạng địa giới hành chính của xã.
 
Ở huyện Xuân Lộc, thành lập xã Trảng Táo trên cơ sở ấp Trảng Táo thuộc xã Xuân Thành. Đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính của 4 xã lân cận tiếp giáp với ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành (tách một phần diện tích để nhập lại thành xã Trảng Táo). Đồng chí Nguyễn Minh Nhật, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, cho hay việc thành lập xã mới Trảng Táo có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển, củng cố quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính ở nơi địa bàn rộng, khả năng quản lý của cán bộ xã còn bất cập.
 
Sau khi kỳ họp thứ 13, HĐND khóa VIII thông qua nghị quyết về điều chỉnh, thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa, UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt trước khi tổ chức triển khai thực hiện. Như vậy, sau khi các phường, xã, thị trấn được thành lập, Đồng Nai có 178 đơn vị hành chính cấp xã (138 xã, 33 phường, 7 thị trấn), tăng 7 đơn vị (4 phường, 2 xã, 1 thị trấn) so với hiện nay là 171 đơn vị (136 xã, 29 đơn vị, 6 thị trấn).
 
Nguyễn Phượng 
 
 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây