Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái và Bộ trưởng Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Koya Nishikawa ký kết biên bản ghi nhớ về những nội dung đã thảo luận tại buổi làm việc.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Ðồng Nai có hơn 4.600km2 đất nông nghiệp, có khí hậu ôn hòa, có vị trí thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những cây trồng chủ lực là cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su, điều… và các loại cây ăn trái. Ðặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, Ðồng Nai có đàn heo lớn nhất nước (1,4 triệu con/năm) và đàn gà (14 triệu con/năm).
Mặc dù có lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, tính cạnh tranh không cao; công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp (về giống, sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch) còn thấp; thị trường tiêu thụ không ổn định. Hiện Ðồng Nai đang tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quy hoạch lại sản xuất theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm kể cả việc gắn với dịch vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất để hình thành chuỗi khép kín tạo giá trị gia tăng cao và bền vững. Do đó, Ðồng Nai mong muốn được hợp tác và đầu tư của Nhật Bản về liên kết hợp tác, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ phát triển… trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ðồng Nai đặc biệt quan tâm đến việc hai bên sẽ cùng thỏa thuận, hợp tác với nhau để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước. Hiện nay, Nhật Bản đã hoàn thiện được chuỗi giá trị thực phẩm, bắt đầu từ phát triển cây trồng, vật nuôi đến sản xuất, xử lý và phân phối sản phẩm. Ðây là một nội dung Ðồng Nai mong muốn thực hiện và hy vọng phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ, chia sẽ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thực hiện chuỗi liên kết này. Bên cạnh đó, Ðồng Nai cũng mong muốn nhận được chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ (KH-CN) từ phía Nhật Bản liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản… nhằm hỗ trợ cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển hơn.
Tạo điều kiện tốt nhất để chuyển giao công nghệ
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản Koya Nishikawa cho biết, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để việc chuyển giao các tiến bộ KH-CN cao trong nông nghiệp từ Nhật Bản đến Ðồng Nai được diễn ra hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam và tỉnh Ðồng Nai tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể hơn là tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như đảm bảo tạo ra môi trường kinh doanh có tính liên tục, bền vững.
Song song với quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, phía Nhật Bản cũng đề nghị địa phương chủ động phát triển hạ tầng đường sá cũng như các cơ sở hạ tầng khác nhằm đảm bảo chuỗi phát triển thực phẩm đông lạnh. Ðặc biệt là đảm bảo tính minh bạch trong việc vận hành các quy định của pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có mặt tại hội đàm, đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cũng mong muốn Ðồng Nai đẩy mạnh quá trình đơn giản hóa, nhanh chóng và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhằm thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư tại địa phương.
Ðáp lại các đề nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ðinh Quốc Thái khẳng định: Ðồng Nai sẽ hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa về mặt thủ tục, đặc biệt cơ chế linh hoạt và mở rộng cho những ý tưởng hợp tác hiệu quả của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết thêm, hạ tầng trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã được cải thiện rất nhiều. Sắp tới, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistic sẽ được thực hiện tốt hơn nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðồng Nai cũng đang tập trung thúc đẩy cải cách hành chính nhằm đem lại thuận lợi cho người dân, các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ hành chính công.
Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về những nội dung đã thảo luận, thống nhất và xem đây là cơ sở cho sự sự liên kết, hợp tác bền chặt hơn về phát triển sản xuất nông nghiệp giữa hai bên trong thời gian tới.
Phạm Tùng