Các công ty sản xuất sữa đang đổ vốn vào đầu tư trang trại để phát triển vùng nguyên liệu, tạo cú hích để phát triển mạnh đàn bò sữa tại Việt Nam. Theo đó, đầu ra cho bò sữa chưa bao giờ tốt như hiện nay, cả về giá sữa và con giống.
Khu liên hiệp công nông nghiệp Dofico (Agropark) đang triển khai dự án đầu tư trại cung cấp giống bò sữa và nhà máy chế biến sữa. Trong dự án này, doanh nghiệp (DN) sẽ liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu bò sữa theo hình thức chăn nuôi nông hộ tại huyện Xuân Lộc. Chủ đầu tư dự án đang phối hợp với huyện Xuân Lộc tổ chức lớp học chăn nuôi bò sữa, thu hút đông đảo nông dân địa phương tham gia.
* Nghề đang “HOT”
Ông Lâm Quang Trí, nông dân hơn 30 năm nuôi bò sữa tại huyện Long Thành, chia sẻ: “Hiện 1 con bò sữa đang mang thai bán ra với giá rất cao, từ 50-55 triệu đồng. Nhu cầu người mua con giống ngày càng lớn nên trang trại không còn bò giống để bán dù nhiều người đặt mua”. Theo ông Trí, nhu cầu thị trường về mặt hàng sữa tươi cũng đang tăng nhanh. Trang trại của ông hiện có khoảng 60 con bò sữa, cho hàng trăm lít sữa/ngày nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Ông tự chế biến thành các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, bánh flan… bán qua các cửa hàng bán lẻ của gia đình.
Anh Tăng Văn Sang, xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) thu hoạch sữa.
Anh Tăng Văn Sang, nông dân nuôi bò sữa tại xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), nói vui: “Làm nông mà ngày nào cũng có tiền thu vào thì còn gì bằng. Thấy nghề này cho thu nhập cao, ổn định nên khi bò đẻ con, tôi đều giữ lại nuôi. Qua hơn 10 năm, từ vài con giống ban đầu tôi đã nhân đàn bò lên khoảng 40 con với 26 con đang cho sữa. Nhờ ký kết cung cấp sữa cho công ty nên tôi không phải lo về đầu ra, thu được bao nhiêu sữa DN đều bao tiêu hết. Người dân quanh vùng tìm đến mua cũng ngày càng nhiều”.
* Phát triển chăn nuôi nông hộ
Ông Nguyễn Văn Sinh, nông dân xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), một trong 40 nông dân đang tham gia lớp học kỹ thuật nuôi bò sữa thuộc dự án xây dựng vùng nguyên liệu bò sữa tại Agropark, chia sẻ: “Thấy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập cao, nông dân chúng tôi rất quan tâm nên rủ nhau tham gia lớp học. Qua 1 tháng học lý thuyết về kỹ thuật chăn nuôi và được đi tham quan, học hỏi từ chính những nông dân đang sản xuất, tôi thấy nuôi bò sữa nông hộ rất phù hợp với địa phương nên mong muốn đầu tư. Nhưng cái khó không nhỏ với nông dân là vốn đầu tư nên rất mong được sự hỗ trợ từ phía DN và Nhà nước”.
Với những lợi thế về công lao động, đất đai thì chăn nuôi bò sữa theo quy mô nông hộ tại khu vực nông thôn vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực tế, nhiều nông dân ở Đồng Nai đã và đang nuôi bò sữa rất thành công, họ đã có được những trang trại nuôi bò sữa hàng chục con đều khởi đầu từ một vài con giống. Ông Trương Công Báu, Phó giám đốc Công ty TNHH sữa Đồng Nai, thành viên tham gia dự án nuôi bò sữa tại Agropark, cho biết: “Đầu năm 2015, công ty sẽ dời đàn bò sữa tại huyện Long Thành về khu Agropark. Chúng tôi đã cho khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Xuân Lộc và thấy khu vực này rất thuận lợi để phát triển đàn bò sữa. DN có dịch vụ về nhân giống, dịch vụ thú y... Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh dịch vụ này, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân mới đầu tư nuôi bò sữa”.
Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, đại diện đơn vị đang triển khai dự án nuôi bò sữa tại Agropark, cho biết đây là dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao từ khâu con giống đến thu mua, chế biến. DN sẽ luôn đồng hành với nông dân, từ cung ứng giống bò chất lượng cao, giống cỏ; chuyển giao, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Hiện có rất nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, cũng là thuận lợi không nhỏ cho nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi trong vùng chuyên canh theo hướng cánh đồng lớn” - ông Phục nói.
Bình Nguyên