Được biết đến như một địa phương tốp đầu cả nước về công nghiệp, Đồng Nai còn là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 đơn vị cấp huyện (gồm huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh) hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là kết quả cả quá trình nỗ lực lâu dài của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cho rằng, hoàn thành nông thôn mới “chỉ như mới học xong tiểu học”. Giống như việc học, sau nông thôn mới còn cả chặng đường dài cần tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí. Mục đích cuối cùng trong xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.
* Nông thôn “thay áo”
Hiện Đồng Nai có 54/136 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đạt gần 40% số xã, vượt xa kế hoạch đề ra. Nông thôn mới đã góp phần thay đổi hẳn diện mạo của khu vực nông thôn. Cụ thể, mạng lưới giao thông nông thôn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh đã có 86% đường huyện quản lý và 74% đường xã quản lý được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống điện, thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 49%. Nhà ở dân cư nông thôn được chỉnh trang xây dựng với tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng là 95%...
Trồng nấm mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình ở TX.Long Khánh.
Toàn hệ thống chính trị của Đồng Nai từ tỉnh đến các cấp huyện, xã luôn xác định, nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, là đối tượng hưởng thụ từ chương trình. Chính vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn được đặc biệt chú trọng. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều thực hiện rất tốt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, gương nông dân sản xuất giỏi, như: ông Trần Hữu Thắng (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được tôn vinh là “người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam”; ông Lý Phát Sinh, Chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ tiêu năng suất cao Lang Minh (huyện Xuân Lộc), được người dân địa phương phong là “vua” bắp với năng suất cao thuộc hàng nhất cả nước 13 -14 tấn/hécta…
Nông dân đã có ý thức cao trong làm nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc tìm đầu ra, ổn định sản xuất.
Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải chia sẻ: “Địa phương đã hết hộ nghèo, một bộ phận lớn nông dân đạt khá, giàu. Trước đây thu nhập nông dân ở mức 50-60 triệu đồng/năm thì nay vươn lên 200-300 triệu đồng/năm với nhiều mô hình trồng cây đặc sản, như; chôm chôm thái, sầu riêng, ổi... đạt chuẩn VietGAP. Song song với việc tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, Long Khánh cũng đang nỗ lực hoàn thành việc xây dựng các phường văn minh theo chuẩn đô thị mới. Sức dân có mạnh thì mới có nguồn lực để đóng góp xây dựng nông thôn mới”.
* Sẽ không dừng lại
Đảng bộ, chính quyền, người dân Đồng Nai luôn xác định xây dựng nông thôn mới không dừng lại ở một cái đích cụ thể mà phải luôn tiến lên đạt “4 tốt”: có kết cấu hạ tầng tốt, đời sống kinh tế tốt, đời sống văn hóa tốt và môi trường sinh thái tốt. Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, nhấn mạnh Đảng bộ huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình phấn đấu lâu dài, không chỉ với mục tiêu giữ vững mà tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Huyện đã xây dựng và đang tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. “Chúng tôi không chỉ chạy theo số lượng mà phấn đấu đạt cả về chất lượng. Cụ thể, xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn mới chỉ là cái vỏ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm phần “ruột” bằng các hoạt động phong phú, đa dạng nhằm chăm lo tốt về mặt tinh thần của nông dân. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với thị trường nhằm tạo sự phát triển bền vững” - bà Cát Tiên nói.
Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam Trần Hữu Thắng (ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) giới thiệu về cây tiêu, cây trồng đứng đầu về thu nhập hiện nay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nông thôn mới, tỉnh yêu cầu những huyện, xã đã đạt chuẩn sẽ tiếp tục giữ vững các tiêu chí mình đã đạt được và nâng dần các tiêu chí lên, vì xây dựng nông thôn mới xong dừng lại thì sẽ có nguy cơ tụt hậu. Do đó, tỉnh xác định hoàn thành nông thôn mới chỉ là bước đầu, con đường phía sau nông thôn mới còn rất dài và phải tiến lên tiếp để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày một tốt hơn”.
Bình Nguyên - Hương Giang