Đẩy mạnh nâng cao chất lượng lao động nông thôn

Thứ sáu - 16/01/2015 01:27
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Sáng ngày 14-1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 1956/CP của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNCLĐNT) giai đoạn 2011 - 2015 và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác này năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
 
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có gần 38,7 ngàn lao động nông thôn (LÐNT) được đào tạo nghề, trong đó có trên 83,7% có việc làm ngay sau khi học nghề, góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Vươn lên làm giàu
 
Gia đình ông Trần Tấn Minh, ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán từng phải ngậm ngùi trắng tay theo mô hình chăn nuôi gà kiểu cũ. Sau đó, nhờ được học nghề chăn nuôi, thú y tại Trung tâm Dạy nghề Ðịnh Quán, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, trở thành một trong những điển hình trong học nghề, vận dụng vào chăn nuôi có hiệu quả và cũng là mô hình sẽ được khen thưởng trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Ðề án 1956. Ông Minh cho biết: “Lúc trước chăn nuôi theo kinh nghiệm, không có kiến thức nên nhiều lần lỗ trắng tay. Sau khi tham gia học kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, tôi đã biết cách phòng, chống các bệnh thường gặp ở gà, cách vận hành và sử dụng máy ấp trứng... Giờ đây, với 2 máy ấp trứng công suất 2.000 trứng/lần, mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa gà thịt nên kinh tế gia đình tôi vì thế ổn định hơn”.
 
16-01_Daymanhnangcao.jpg 
Lao động được đào tạo nghề may tại Trung tâm Dạy nghề Định Quán có việc làm ngay sau đào tạo
 
Nếu trước đây, bị thất bại nhiều lần với việc đầu tư trồng nấm do thiếu các kiến thức cơ bản, anh Võ Văn Bột (xã Xuân Ðịnh, huyện Xuân Lộc) đã liên hệ Trung tâm Dạy nghề huyện để theo học khóa đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng nấm. Sau khi học nghề, anh Bột còn được cung cấp tài liệu tham khảo về kỹ thuật trồng nấm để nghiên cứu thêm. Anh Bột cho biết: “Nếu không được học nghề để có kỹ thuật căn bản, chẳng mấy chốc mình sẽ mất vốn vì không biết cách phòng, trị bệnh cho nấm. Mặt khác, cái lợi của học nghề là để phục vụ cho chính mình”.
 
Cũng là một trong số 20 cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng sáng nay, ông Lê Văn Vinh, xã Xuân Trường, Xuân Lộc vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định sau khi được học nghề chăn nuôi, thú y tại Trung tâm Dạy nghề huyện Xuân Lộc. Từ 2 con dê giống được tặng ban đầu sau khi học xong, đến nay, ông đã phát triển đàn dê thịt trên 20 con cho thu nhập cao; các công đoạn như chăm sóc, đỡ đẻ, trị bệnh cho dê, ông đều được học và tự làm mà không phải tốn tiền gõ cửa bác sĩ thú y.
 
Huyện Ðịnh Quán là địa phương được tỉnh chọn thí điểm triển khai Ðề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm Dạy nghề của huyện thường xuyên duy trì các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, như: hàn, điện, may công nghiệp, trồng nấm, các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thả vườn, trồng cam, quýt… Ðặc biệt, nghề tranh thúc đồng lần đầu tiên được triển khai đào tạo tại trung tâm đã đạt kết quả tốt, các sản phẩm của người học làm ra được doanh nghiệp nhận tiêu thụ. Người học nghề tranh thúc đồng sau khi hoàn thành chương trình học, đi làm có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Thành Ðông, Trưởng phòng LÐ-TBXH huyện Ðịnh Quán cho biết: “Sau 5 năm triển khai Ðề án 1956, Ðịnh Quán đã có gần 7.000 lao động ở các xã trong huyện được đào tạo nghề, trong đó có hơn 1.000 người được đào tạo các nghề phi nông nghiệp. Lao động nông thôn đã ý thức chỉ có học nghề, có kiến thức mới nâng cao thu nhập và phục vụ chính cuộc sống của mình”.
 
Nâng chất nguồn LĐNT
 
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LÐ-TBXH cho biết, thực hiện Quyết định 1956, thời gian qua, tỉnh Ðồng Nai đã tổ chức 4 cuộc điều tra khảo sát nhu cầu học nghề tại 142 xã, thị trấn. Kết quả có trên 65.200 LÐNT có nhu cầu học nghề. Sau 5 năm thực hiện đề án, với phương châm tập trung nâng chất lượng, không chạy theo số lượng, toàn tỉnh đã dạy nghề cho gần 38,7 ngàn LÐNT, hơn 82% có việc làm ngay sau khi đào tạo. Qua khảo sát nhanh, hầu hết lao động được đào tạo đều có việc làm bằng chính nghề cũ hoặc nghề vừa được đào tạo như may gia công, nhận may hàng xuất khẩu, trồng trọt, chăn nuôi gà thả vườn, nghề thủ công truyền thống…
 
Trong đào tạo nghề cho LÐNT đã xuất hiện nhiều mô hình thí điểm có hiệu quả cao như: chăn nuôi gà thả vườn kết hợp sử dụng máy ấp trứng, máy chế biến thức ăn; mô hình dạy may công nghiệp, may dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện Ðịnh Quán - huyện chỉ đạo điểm của Trung ương; mô hình đan lát thủ công; trồng rau an toàn tại Trung tâm Dạy nghề Tân Phú; mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp thuộc nhóm nghề công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề Trảng bom; mô hình dạy may công nghiệp tại huyện Thống Nhất...
 
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LÐ-TBXH, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo dạy nghề cho LÐNT tỉnh Ðồng Nai cho rằng: “Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Ðồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện đề án nhưng tập trung vào những nghề mà nông dân đang sinh sống, nỗ lực để hỗ trợ họ kiến thức, kỹ năng để làm nghề và sống bằng nghề. Trong đó, tập trung vào các nghề trọng điểm như trồng trọt, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê, may công nghiệp vừa phục vụ tại chỗ, vừa cung cấp nguồn lao động dịch chuyển cho doanh nghiệp. Ðồng thời cũng hạn chế những nghề không phù hợp với khu vực nông thôn để nâng cao hiệu quả của đề án, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”. Cũng theo cơ quan thường trực của đề án, trong 5 năm qua, tỉnh đã phân bổ nguồn ngân sách trên 98 tỷ đồng cho dạy nghề LÐNT, cùng với 18 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương đã tạo rõ hiệu quả của đề án.
 
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho rằng, khi tập trung vào các nghề trọng điểm phù hợp với lao động khu vực nông thôn, đời sống của người dân chuyển biến tích cực. Nếu như trước khi thực hiện đề án, đa số nông dân trên địa bàn huyện còn làm thuần nông, thu nhập thấp, đến cuối năm 2014, huyện đạt chuẩn NTM với mức thu nhập bình quân của người dân trên 43 triệu đồng. Người nông dân biết tính toán làm ăn, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác, cũng như học nghề chuyển đổi phù hợp.
 
Ðể tạo thuận lợi cho lao động nông thôn đi học nghề, mới đây, Ngân hàng chính sách xã hội đã bổ sung thêm hai đối tượng được vay vốn học nghề đó là bộ đội xuất ngũ và LÐNT. Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi như hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại khi LÐNT tham gia học nghề sẽ tạo hiệu quả để dạy nghề cho LÐNT thực sự có chất lượng.
 
Trong tổng số 38,7 ngàn LĐNT được đào tạo nghề, có 49,23% nghề nông nghiệp, tương đương 19.048 người; 50,77% nghề công nghiệp và dịch vụ tương đương 19.646 người; đã có trên 35,1 ngàn người tốt nghiệp và 82,7% có việc làm ngay. Hỗ trợ học nghề cho cả 3 nhóm đối tượng gồm lao động diện chính sách; lao động diện hộ cận nghèo và lao động diện khác…
 
Hà Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây