Thông tin Đồng Nai sẽ đẩy nhanh quy hoạch cù lao Phố khiến người dân ở xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) chộn rộn hẳn lên. Hầu hết người dân đều mong muốn sống tiếp ở mảnh đất này và lưu giữ lại các giá trị văn hóa, lịch sử hơn 300 năm.
Rất nhiều người dân Hiệp Hòa (cù lao Phố) không giấu nổi vui mừng khi biết quy hoạch nơi đây thành trung tâm thương mại đã được hủy bỏ, thay vào đó sẽ quy hoạch thành khu dân cư sinh thái, văn hóa lịch sử. Như vậy, tất cả các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai sẽ tiếp tục được lưu giữ và tôn tạo.
*Sẽ là cù lao xanh
Cuối năm 2005, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa (Công ty Tín Nghĩa) thực hiện quy hoạch chi tiết cù lao Phố. Đến tháng 5-2006, tỉnh đã chấp thuận cho Công ty Tín Nghĩa làm việc với các đơn vị tư vấn và đề xuất chọn Liên danh Công ty Surbana International Consultants (Singapore) làm đơn vị tư vấn chính thực hiện công tác quy hoạch chi tiết xã Hiệp Hòa. Dự tính, cù lao Phố được xây dựng thành trung tâm thương mại lớn của thành phố và tỉnh như một Singapore thu nhỏ. Nhưng sau đó, xét thấy quy hoạch trung tâm thương mại tại đây không hợp lý bằng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành trung tâm thương mại, tỉnh có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xã Hiệp Hòa.
Một góc cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).
Cù lao Phố có diện tích khoảng 695 hécta, nơi đây lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa với bề dày hơn 300 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Vì thế, quy hoạch mới của cù lao này sẽ là khu sinh thái bảo tồn mảng xanh lớn, tạo thành “lá phổi xanh” của thành phố và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử mang tính biểu tượng của thành phố văn hóa trong mục tiêu phát triển của đô thị Biên Hòa.
Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Theo quy hoạch chung của TP.Biên Hòa, cù lao Phố sẽ có trung tâm văn hóa cấp vùng, gồm: bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm, viện nghiên cứu để thực hiện việc gìn giữ bảo tồn sản vật đặc trưng, các di tích lịch sử; công viên văn hóa sinh thái làm lá phổi xanh cho thành phố”. Ngoài ra, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, các quần thể công trình văn hóa, kiến trúc cổ như: chùa Ông, đình Long Quới, Hòa Quới, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, di tích lăng mộ... tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn và cải tạo gắn với không gian xanh xung quanh. Ven sông Đồng Nai, sông Cái sẽ được trồng cây xanh để tạo thêm cảnh quan.
* Dân mong gì?
Nhiều người dân xã Hiệp Hòa bày tỏ sự đồng tình với việc quy hoạch lại cù lao Phố. Vì có như thế mới phát triển nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, song tất cả đều mong muốn sau quy hoạch vẫn được tiếp tục sống tại Hiệp Hòa.
“Gia đình của tôi có đến 5 đời sinh sống trên mảnh đất này. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ đầy ác liệt gia đình tôi vẫn bám trụ nơi đây. Vì yêu cầu phát triển của thành phố, tôi ủng hộ quy hoạch, nhưng phải giữ lại được các giá trị văn hóa lịch sử, và những người dân đã từng đổ máu, nước mắt trên mảnh đất này sẽ được tiếp tục sống ở đây” - ông Nguyễn Thanh Sơn, ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án tại cù lao Phố, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho hay: “Hiện TP.Biên Hòa đang phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa quy hoạch chi tiết lại cù lao Phố theo quy hoạch mới. Chủ trương của thành phố sẽ là tái định cư tại chỗ cho những người dân mất đất. Và nhà ở trong các dự án khu dân cư sẽ được quy hoạch với mật độ thấp”.
Cũng tại buổi làm việc với các sở, ngành, TP.Biên Hòa vào chiều 4-3, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã giao cho UBND TP.Biên Hòa phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết 1/2000 xã Hiệp Hòa và tiếp tục kêu gọi đầu tư để phát triển nơi đây thành khu dân cư, văn hóa lịch sử và là “lá phổi xanh” của thành phố.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng nhận định: “Tới đây, khi cầu An Hảo được xây dựng và hoàn thành đi vào khai thác sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư vào cù lao Phố để phát triển vùng này thành khu sinh thái, lịch sử văn hóa”.
Hương Giang