Phụ nữ và bình đẳng giới

Thứ hai - 09/03/2015 01:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​Thực hiện bình đẳng giới không phải là điều gì quá xa xôi mà thể hiện rõ qua từng hành động cụ thể trong gia đình. Ở đó, người phụ nữ có cuộc sống hài hòa, có điều kiện để phát huy vai trò của mình ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chăm sóc tốt cho bản thân, gia đình, đồng thời cũng có điều kiện để làm tốt công việc ở cơ quan.
 
Ðây cũng là nội dung được thảo luận trong buổi tập huấn chuyên đề “Vai trò, trách nhiệm của nữ CNVCLÐ trong thực hiện bình đẳng giới” do Ban nữ công LÐLÐ tỉnh tổ chức vừa qua. Buổi tập huấn thu hút 250 đại biểu đến từ LÐLÐ TP. Biên Hòa, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn các ngành Công thương, Y tế và Giáo dục tham gia. Vấn đề bình đẳng giới dưới góc độ vai trò của người phụ nữ được đưa ra phân tích, “mổ xẻ” bằng những câu chuyện sinh động và ý nghĩa.
 
“Giỏi việc nước” và “đảm việc nhà”
 
Bằng nhiều chính sách, giải pháp tích cực của Ðảng và Nhà nước, trong những năm gần đây, chúng ta đã đạt được những tiến bộ lớn về các mục tiêu bình đẳng giới. Trong đó Luật Bình đẳng giới được thực thi đã khiến vị thế của phụ nữ ngoài xã hội và trong gia đình ngày càng được nâng lên. Theo các chuyên gia, để bình đẳng giới thật sự đi vào đời sống thì trước hết người phụ nữ phải tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Theo bà Trần Thị Thủy, nguyên Phó hiệu trưởng Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội chứ không riêng gì người phụ nữ. Tuy nhiên phụ nữ lại có vai trò vô cùng quan trọng và điều đó phải được phát huy. Ðể nâng cao vị thế của người phụ nữ, tránh tình trạng bạo lực trong mỗi gia đình và xóa bỏ định kiến “trọng nam, khinh nữ” thì chính người phụ nữ phải tự ý thức và hành động. Hành động đó được biểu thị bằng việc nỗ lực phấn đấu trong công việc, khẳng định năng lực và quan hệ xã hội. Bên cạnh đó là khả năng sắp xếp, hài hòa giữa công việc gia đình để có thể hoàn thành tốt công việc mà vẫn “giữ lửa” cho tổ ấm của mình. 
0903-Phunuva1.jpg
Chị em thảo luận tại buổi tập huấn
 
Ðiều này cũng đặt ra một câu hỏi liệu có thêm gánh nặng cho phái nữ khi “giỏi việc nước” vẫn phải “đảm việc nhà”? Là một phụ nữ năng động trong công việc, chị Lê Thị Thu Hằng, nhân viên phòng Tài nguyên - môi trường Biên Hòa chia sẻ: “Ngày càng nhiều cơ hội được tạo ra cho phụ nữ trong cả công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải thêm áp lực mà chính là động lực để phụ nữ phấn đấu. Quan trọng là khả năng dung hòa giữa công việc và gia đình và thu hút các thành viên trong gia đình cùng thực hiện. Mình cũng phải tự ý thức và cố gắng để hoàn thành tốt công việc ở cơ quan mà về nhà vẫn “cơm ngon canh ngọt”.
 
Ðể “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không trở thành gánh nặng trên vai người phụ nữ thì sự sẻ chia là rất cần thiết. Theo Phó chủ tịch CÐCS Công ty Ðồng Tiến Ngô Ngọc Thuận chia sẻ, phụ nữ không nên tự tạo áp lực cho mình mà nên thu hút các thành viên cùng tham gia. Và trên thực tế người phụ nữ cũng không thể tự mình ôm “trọn gói” mọi công việc mà cần nhiều sự sẻ chia từ gia đình nhất là người chồng.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
Với những bước tiến trong bình đẳng giới, công việc trong gia đình ngày nay không chỉ dành riêng phụ nữ. Theo kết quả khảo sát của Phòng Bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội, về mức độ thường xuyên tham gia công việc gia đình của nam giới khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho thấy, có đến 52% nam giới dạy con học, trên 39% trông con, trên 30% nấu ăn, trên 28% dọn dẹp nhà cửa, trên 20% giặt giũ quần áo…
 
Tuy nhiên trên thực tế nhiều phụ nữ vẫn chưa “thu hút” được chồng phụ giúp việc gia đình. Gặp lại chị Nguyễn Thị An sau 5 năm lập gia đình nhiều người không nhận ra được chị bởi sự “xuống sắc”  và  bề ngoài đặc trưng của bà nội trợ. Chị được tiếng là đảm đang trong gia đình nhưng lại quên mất việc chăm sóc bản thân mình. Ðang làm việc tại một công ty giày da, sau khi tan ca chị lại hối hả đón con, lo cơm nước giặt giũ trong khi chồng lại thư giãn với chương trình TV hoặc chơi thể thao. Hơn nữa mọi công việc lớn trong nhà đều do người chồng tự quyết vì theo chị đó là việc lớn. Trường hợp như chị An vẫn còn khá phổ biến khi người phụ nữ vẫn còn nặng ý thức cam chịu, chưa có kỹ năng động viên, thuyết phục để sẻ chia công việc đối với các thành viên trong gia đình.
 
Với hơn 60% lực lượng lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề trong toàn tỉnh, trong những năm qua, các cấp Công đoàn luôn quan tâm, chăm lo, phát huy vai trò của nữ CNVCLÐ. Không chỉ tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua trong nữ CNVC-LÐ, công tác tuyên truyền còn được tích cực thực hiện nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao tính chủ động của phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Phó chủ tịch LÐLÐ tỉnh Nguyễn Phước Mạnh, để bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống, mỗi gia đình cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thực hiện các chính sách cho lao động nữ, cung cấp nhiều hơn các dịch cụ xã hội cho phụ nữ, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là người phụ nữ phải ý thức được vai trò, nỗ lực vươn lên và sắp xếp cuộc sống một cách hài hòa.
 
Lê Phương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây