Khoảng 9 giờ sáng 11-3, Trạm Kiểm lâm Cây Gùi (ấp 4, xã Mã Ðà) trở nên vắng vẻ. Trạm trưởng Nguyễn Văn Chiến cho hay: “Tất cả cán bộ kiểm lâm đều đã tỏa đi kiểm tra, chốt trực tại các điểm gác quan trọng trên địa bàn phụ trách. Thậm chí, buổi trưa chỉ cho một người trực trạm. Số còn lại tiếp tục ra canh rừng suốt ngày đêm”.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cây Gùi Nguyễn Văn Chiến (thứ 2 từ trái sang) đang triển khai công việc cho các thành viên trong tổ
Trạm trưởng Chiến cho biết, ngay từ đầu mùa khô, trạm đã sớm xây dựng kế hoạch PCCCR gửi lên Hạt Kiểm lâm và Giám đốc KBT xem xét. Mùa khô năm nay, trạm ưu tiên tập trung thi công đường băng cản lửa (ÐBCL) ở rừng trồng vì nơi đây có nguy cơ cháy cao. Sau đó, trạm mới làm ÐBCL ở khu vực rừng tự nhiên. Cụ thể, trạm cho làm đường băng chính rộng 10m và đường băng phụ 8m đối với vùng rừng trồng; làm đường băng chính rộng 5m và đường băng phụ rộng 3m đối với rừng tự nhiên. Ngoài lực lượng kiểm lâm, trạm đã sử dụng nguồn nhân công tại chỗ bằng cách vận động người dân tham gia vào công tác PCCCR, vừa giải quyết được công ăn việc làm cho họ, vừa giúp cho trạm làm tốt công tác PCCCR.
Ông Chiến cho biết thêm, Trạm Kiểm lâm Cây Gùi chỉ có 7 người nhưng phải quản lý địa bàn rộng lớn với diện tích rừng hơn 4.700 ha. Từ đó, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trạm cũng đã cố gắng khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Khổ nhất là vào mùa khô... Tâm trạng chúng tôi lúc nào cũng phập phồng lo lắng, thậm chí nửa đêm mà điện thoại reo cũng giật mình. Tôi thường động viên các cán bộ kiểm lâm cố gắng tập trung làm tốt nhiệm vụ trong đợt cao điểm. Ðến mùa mưa sẽ giải quyết chế độ phép để nghỉ bù”, ông Chiến nói.
Ông Trương Văn (người dân tham gia công tác PCCCR tại Khoảnh 5, Tiểu khu 121, thuộc Trạm Kiểm lâm Cây Gùi) cho biết, ông tham gia công tác bảo vệ rừng và PCCCR từ năm 1977. Lúc đó, Lâm trường Mã Ðà còn đang quản lý rừng. Ðến khi KBT được thành lập, ông tiếp tục tham gia PCCCR cho đến nay.
Là một người dân nhiều năm gắn bó với rừng, ông Trương Văn có nhiều kinh nghiệm trong PCCCR. “Tôi đang ngồi đây, nhưng nếu xảy ra cháy ở đâu thì đều biết được. Bởi khi cháy, các đốm tro tàn bay lên, cháy lớn tàn bay xa, cháy nhỏ tàn bay gần”, ông Văn giải thích.
Tại chòi canh cao 25m (Khoảnh 2, Tiểu khu 102), nơi người của Trạm Kiểm lâm Rang Rang đang trực, cứ cách một đoạn rừng thì lại thấy người dân và cán bộ kiểm lâm ngồi trực dưới cái nắng chói chang của buổi trưa. Kiểm lâm viên Trương Minh Ngọc cho biết, vào đợt cao điểm của mùa khô thì phải phân công 2 người trực ở chòi canh, còn ngày thường chỉ cần 1 người trực. Khi đứng trên chòi canh, người trực dễ dàng quan sát về phía xa các hướng, nếu phát hiện có khói bốc lên ở hướng nào thì gọi điện cho người phụ trách nơi đó đến xác minh và xử lý. Còn nếu cháy quá lớn, người phụ trách khu vực phải báo lên cấp trên để có sự hỗ trợ kịp thời.
Phương châm 4 tại chỗ
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBT Nguyễn Hoàng Hảo kiêm Phó giám đốc KBT cho biết, phương án tác chiến PCCCR mùa khô năm 2014 - 2015 đã được KBT triển khai thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ðể làm tốt điều này, KBT đã phân công cho từng người gắn liền với nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, phân công lãnh đạo trực tại Ban chỉ huy, các tiểu ban, các tổ PCCCR. Lực lượng công chức, viên chức Kiểm lâm KBT luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. KBT đã ký kết với các hộ dân trên địa bàn tham gia vào tổ PCCCR tại địa phương và sử dụng trang thiết bị, phương tiện của người dân. Ðặc biệt trong thời gian cao điểm của mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 4-2015) đơn vị tăng cường thêm lực lượng tuần tra lưu động tại các Trạm Kiểm lâm.
KBT hiện có 6 chòi canh lửa cố định phục vụ công tác PCCCR mùa khô năm nay. Việc trực gác tại 55 điểm gác PCCCR luôn được thực hiện nghiêm túc. Cho đến thời điểm này, KBT đã hoàn thành 98% khối lượng thi công ÐBCL theo đúng kế hoạch đề ra. Trong đó, thi công ÐBCL rừng trồng đạt 100%, thi công đường băng rừng tự nhiên được hơn 331 ha, đạt 98%; còn lại hơn 16 ha là ÐBCL giáp hồ Trị An và hồ Bà Hào chưa thi công do mực nước hồ còn lớn.

Chòi canh cao 25m này giúp cho người trực của Trạm Kiểm lâm Rang Rang dễ dàng quan sát nếu có cháy xảy ra
Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc KBT: Do diện tích rừng của KBT quá lớn, người dân vào sinh sống và sản xuất nông nghiệp đông; thời tiết thất thường: sáng lạnh, trưa nắng gắt gây hanh khô… là những yếu tố gây cháy rừng rất cao. Trước tình hình trên, hằng năm, KBT đều xây dựng kế hoạch thực hiện phương án PCCCR chặt chẽ và được tỉnh cấp kinh phí kịp thời. Từ đó, đã giúp cho KBT chủ động được trong việc thực hiện công tác PCCCR. KBT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng, chống cháy rừng theo phương án tác chiến 4 tại chỗ… Nhờ vậy, trong các năm qua chưa xảy ra vụ cháy nào gây ảnh hưởng đến rừng”.
Thành An