Ðược biết, trong thời gian đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định, học sinh có thể thay đổi những nội dung trong phiếu đăng ký dự thi (bao gồm cả mục đích dự thi). Với những quy định như vậy, các em có đủ thời gian để quyết định mục đích dự thi của mình. Tuy nhiên, sau ngày 30-4, học sinh sẽ không có quyền thay đổi nội dung trong phiếu đăng ký dự thi nữa (ngoại trừ việc sửa chữa những sai sót liên quan đến thông tin cá nhân).
Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT còn có thể tham gia xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng (năm 2015 có hơn 200 trường ÐH, CÐ có đề án tuyển sinh riêng).
“Sở GD-ÐT cũng sẽ chủ động phối hợp triển khai thông tin kịp thời, rộng rãi đến từng học sinh. Thông qua đó, phụ huynh, học sinh sẽ có được những sự lựa chọn phù hợp với năng lực cá nhân của mỗi em”, bà Trương Thị Kim Huệ cho biết thêm.
Khuyến khích các trường ra đề thi theo hướng mở
Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục,Bộ GD-ÐT Trần Văn Nghĩa cho biết: “Ðề thi có 2 nhóm câu hỏi, một nhóm câu hỏi có độ khó tương tự đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, trong đó có xét đến học sinh GDTX có thể làm được. Nhóm câu hỏi thứ hai tương đương với đề thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2014. Học sinh có thể tham khảo 2 loại đề thi năm ngoái để ôn thi cho phù hợp với mục đích của mình”.
Về hướng ra đề thi, theo ông Nghĩa, ngữ liệu, số liệu sẽ đưa ngay trực tiếp vào đề thi để thí sinh bình luận, phân tích, hạn chế những câu hỏi học thuộc lòng, tăng cường những câu hỏi vận dụng kiến thức, vốn sống để làm bài.
Về quy định bảo lưu, ông Nghĩa cho biết nếu năm nay trượt tốt nghiệp thì vẫn được bảo lưu kết quả của những môn có điểm từ 5 trở lên để xét tốt nghiệp vào năm sau.
Các môn khoa học xã hội nhân văn tiếp tục câu hỏi mở, vận dụng kiến thức thực tế, liên môn để làm bài, giảm yêu cầu học sinh học thuộc. Như thi tốt nghiệp và đại học năm 2014, các môn Văn, Sử, Ðịa dữ liệu được đưa ngay vào bài thi. Các em không cần phải nhớ nhưng trên ngữ liệu đưa vào cần phân tích, bình luận. Hướng này sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2015.
Bà Trương Thị Kim Huệ cho biết, Sở GD-ÐT khuyến khích các trường ra đề thi cho học sinh theo hướng đề thi chung, phù hợp với mục tiêu của đề thi THPT quốc gia sắp tới. Các trường ra đề sao cho vừa đảm bảo được chuẩn kỹ năng kiến thức vừa phải phát huy được tính tư duy, sáng tạo, suy luận của học sinh.
Việc đổi mới ra đề này nhằm thúc đẩy việc học tập chủ động của HS. Từ đó, dần tạo được thói quen học tập theo hướng hiểu bài, có khả năng suy luận, nhận định đánh giá và phân tích vấn đề... Ðiều này sẽ rất hữu ích cho học sinh hướng đến kỳ thi THPT quốc gia.
Điều kiện miễn thi môn tiếng Anh
Quy chế thi THPT có quy định: “Thí sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được Giám đốc Sở GD-ÐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn”.
Về quy định này, ông Trần Văn Nghĩa giải thích: Với những học sinh không được học ngoại ngữ, Sở GD-ÐT quyết định thay thế ngoại ngữ bằng môn học khác. Sở căn cứ điều kiện thực tế, quyết định đăng ký không thi ngoại ngữ và báo cáo UBND tỉnh.
Những thí sinh học không đủ chương trình ngoại ngữ (chuyển trường) tức là trước đây học một ngoại ngữ nhưng sau khi chuyển trường lại học sang ngoại ngữ khác thì làm đơn xin thi môn ngoại ngữ phù hợp.
Thí sinh có chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ được tính điểm 10 khi xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên về cơ bản các em vẫn phải tham dự kỳ thi THPT để xét tuyển vào các trường ÐH, CÐ.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không dạy ở trường nhưng được Bộ GD-ÐT quy định vẫn được miễn thi để xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn thi môn ngoại ngữ không được dạy trong trường để xét tốt nghiệp cũng có thể làm đơn xin thi.
Dự kiến khoảng 15-3, Bộ có hướng dẫn thực hiện quy chế sẽ quy định về những thắc mắc xung quanh môn thi này.
Học sinh chỉ được rút, chuyển nguyện vọng ở lần đăng ký NV 1
Ở NV 1, học sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào 1 trường với tối đa 4 ngành (nhóm ngành) với thứ tự từ 1 đến 4. Trong thời gian xét tuyển, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào trường khác. Trong quá trình xét tuyển, các trường phải cập nhật ba ngày một lần kết quả thống kê dữ liệu thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường mình, để thí sinh biết và có thể rút hồ sơ nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp.
Về NV bổ sung: học sinh có 3 giấy giống nhau để xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường có tối đa 4 ngành được đăng ký với 12 nguyện vọng. Lưu ý các em không được quyền rút, chuyển NV như ở lần đăng ký NV1.
Yến Nhân