Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Thứ ba - 14/05/2019 23:11
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sáng 14-5, tại Trường TTC School Global (TP. Biên Hòa), UBND tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”, Sở GD-ĐT và báo Đồng Nai đồng chủ trì. Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và lãnh đạo trường học trong tỉnh. Các ý kiến đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp xây dựng nền tảng văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện nay.​

Mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh

Hiện nay, ngày càng nhiều thông tin liên quan đến các tiêu cực trong văn hóa, hành vi ứng xử của học sinh, thậm chí cả giáo viên được công khai trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Ðiều này đã phản ánh một thực tế đáng buồn về sự xuống cấp trong văn hóa, đạo đức, lối sống của nhiều học sinh. Ðứng ở góc độ của một người làm truyền thông, nhà báo Nguyễn Ðức Hiển (Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng này.


 TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Quản trị Tri thức KMi phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông, ngày càng nhiều học sinh sử dụng các tài khoản mạng xã hội (đặc biệt là Facebook) và dành nhiều thời gian tương tác trên mạng xã hội (khoảng 2 tiếng mỗi ngày). Ðặc điểm của mạng xã hội là tính tương tác nhanh, tức thời, dễ tiếp cận. Vì thế, trong khi các tổ chức Ðoàn - Hội - Ðội trong trường học phải chật vật để tìm cách tập hợp đoàn viên, hội viên, đội viên của mình tham gia những hoạt động lành mạnh thì học sinh lại dễ dàng bị hấp dẫn bởi những tiêu cực trên mạng xã hội. Việc “thần tượng” Khá Bảnh, Phúc XO... là những ví dụ điển hình cho điều này…

Bên cạnh đó, việc dạy môn đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường lại chậm chân so với những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Do vậy, các trường học cần chủ động dạy cách sử dụng, ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh như là một nội dung trong chương trình dạy kỹ năng sống. Các trường thậm chí có thể xây dựng bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội dành cho học sinh, giáo viên. Ở góc độ gia đình, cha mẹ nên chủ động thảo luận cùng con về các vấn đề nổi bật, được giới trẻ quan tâm nhiều trên mạng xã hội. Từ đó có sự định hướng để con có được nhận thức đúng và ứng xử phù hợp.

Nhiều ý kiến tham luận cũng chỉ ra rằng, không chỉ mạng xã hội mà quá nhiều các thông tin tiêu cực trên các phương tiện truyền thông cũng đã vô tình góp phần ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. Về mặt tâm lý, khi tiếp cận nhiều với thông tin tiêu cực trong một thời gian dài thì con người sẽ có xu hướng ứng xử tiêu cự khi xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống. Vì vậy, các cơ quan truyền thông nên hạn chế việc đưa tin tiêu cực theo kiểu giật gân, câu khách mà cần góp phần lan tỏa nhiều hơn những thông tin tích cực.

Sự đồng hành của toàn xã hội

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: ”Trước những vấn đề nóng trong trường học thời gian gần đây, việc tổ chức tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” của UBND tỉnh là một trong những hoạt động tích cực, chủ động trong tuyên truyền, triển khai thực hiện đề án của tỉnh thông qua việc chủ động, tích cực của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, có tác dụng lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng”.

Buổi tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” có sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành trong tỉnh. Trong đó, Sở VH-TTDL có tham luận: ”Công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em ngay tại gia đình gắn với văn hóa ứng xử trong trường học vào Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Hội LHPN tỉnh có tham luận: ”Việc lồng ghép nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và Đề án của Chính phủ nhằm phát huy vai trò của chị em phụ nữ trong giáo dục con”... Điều này cho thấy tính cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức xã hội là rất quan trọng trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nói riêng và nền tảng đạo đức xã hội nói chung.

Cần sự chung tay của phụ huynh

Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Quản trị tri thức KMi - TP. Hồ Chí Minh, để có thể xây dựng được nền tảng đạo đức, văn hóa ứng xử tốt cho học sinh thì vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, việc hình thành nhân cách của mỗi người thường chịu tác động chính của quá trình giáo dục trong gia đình. Tuy vậy, hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh có nhận thức sai lầm trong việc dạy con dẫn đến hệ lụy là nền tảng đạo đức, văn hóa của trẻ bị lung lay và biểu hiện trong chính môi trường học đường. Lúc này, nhà trường lại bị đổ lỗi là đã không làm tốt việc giáo dục trẻ.

Vì thế, theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, để xây dựng được văn hóa ứng xử trong trường học thì việc cần thiết phải làm trước hết chính là “giáo dục” phụ huynh, tức là làm cho phụ huynh có nhận thức đúng đắn trong việc giáo dục con cái.

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Thị Cát Hoa cho rằng: để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học một cách có hiệu quả, cần phải làm tốt mối liên kết giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, có 3 yêu cầu đặt ra đối với phụ huynh là: thấu hiểu - cộng đồng - cam kết. Tức là phụ huynh phải hiểu, nhận thức đúng đắn về quá trình giáo dục con cái; cộng đồng trách nhiệm, đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục và phải cam kết hành động.

Bên cạnh đó, các trường học cần xây dựng được nền tảng tốt trong 3 mối quan hệ: giáo viên - giáo viên, giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh. Ban giám hiệu, các tổ chức trong nhà trường cũng cần hỗ trợ giáo viên trong việc xử lý các hành vi chưa chuẩn mực của học sinh.

Xây dựng chuyên đề giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học

Đại diện Trường đại học Đồng Nai cho biết, hiện nay, nhà trường đang triển khai đổi mới các chuyên đề giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học trong chương trình đào tạo giáo viên. Trong thời gian tới, đây sẽ là một trong những nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo.

Ngoài ra, Trường đại học Đồng Nai đã thực hiện đào tạo chuyên đề dạy kỹ năng sống. Theo đó, toàn bộ sinh viên sư phạm tốt nghiệp của trường sau khi tốt nghiệp đều có chứng chỉ nghiệp vụ này.

H. Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây