Sáng 14-5, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị về phòng, chống dịch bệnh. Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại của công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Chưa bám sát thực tế
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng như các bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), sởi. Ðồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong tiêm chủng vắc xin sởi. Ngoài vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tỉnh còn mua thêm vắc xin, kết quả tiêm phòng đạt 95%.
Tuy nhiên, BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, chính quyền các địa phương chỉ tham gia phòng, chống dịch ở các “cuộc họp”, chưa đi sát vào thực tế khiến việc phòng dịch đạt hiệu quả chưa cao. “Chúng ta vẫn ở tình trạng dự báo, không tập trung vào phòng dịch, chỉ tập trung cho việc chống dịch. Khi dịch bùng phát, các đoàn thể, địa phương mới tham gia”, BS. Bình nói.
Người dân dọn vật liệu chứa lăng quăng trong vườn sau khi nhân viên y tế vận động, giải thích về dịch bệnh.
Ðiều đáng lo ngại là 100% các trung tâm y tế huyện dùng cán bộ phòng dịch sang làm hệ điều trị, nhất là những bác sĩ có kinh nghiệm trong hệ dự phòng.
Bên cạnh đó, TP. Biên Hòa có dân số gấp 5 - 7 lần các địa phương khác nhưng nhân lực làm công tác phòng dịch, tiêm chủng lại không nhiều hơn các địa phương khác. Trong nhiều năm qua, mỗi năm tỉnh có 4 vòng tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng trên tất cả 171 xã, phường với kinh phí 10 tỷ đồng/năm. Ðiều này chưa phù hợp, lãng phí và chưa đạt được yêu cầu đề ra. Bởi những nơi có số ca mắc SXH thấp cũng làm chiến dịch diệt lăng quăng như những nơi có số ca bệnh SXH cao. Ngoài ra, số cộng tác viên y tế hoạt động thực sự chỉ khoảng 40%, còn lại không hoạt động.
Trong giám sát đầu tiên về sởi, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vùng lõm trong tiêm chủng vẫn còn cao, ở huyện Nhơn Trạch mới chỉ đạt 67%. Ðến nay, ngành Y tế vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng “vùng lõm” trong tiêm chủng do dân nhập cư biến động. Tất cả các trạm y tế xã phải có danh sách trẻ trong các khu nhà trọ để giám sát tiêm chủng nghiêm ngặt, tránh “vùng lõm” tiêm chủng. Tới đây, 30 xã có “vùng lõm” tiêm chủng sẽ được tập trung thực hiện quản lý chặt và tiêm ngừa đầy đủ.
Nhà trọ là nguồn phát sinh dịch bệnh
BS. Võ Phi Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch cho hay, thời tiết nắng mưa thất thường là điều kiện tốt cho côn trùng phát triển. Trong năm 2018, toàn huyện có 951 ca SXH, giảm 387 ca. Tính từ đầu năm đến ngày 5-5, toàn huyện có 601 ca SXH, đã xử lý 120 ổ dịch, phun 3 đợt hóa chất diện rộng tại cộng đồng. Những xã nằm gần khu công nghiệp có số ca mắc cao do khu nhà trọ, nhà ở không theo quy hoạch, không có hệ thống cống thoát nước. “Chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền đến tận các ngõ hẻm của nhà dân nhưng do công nhân tăng ca nhiều, ý thức phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế nên dịch bệnh vẫn bùng phát cao”, BS. Hồng nói.
BS. Nguyễn Văn Trai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho hay, do mật độ dân cư đông, thành phố có số lượng các ca mắc dịch bệnh cao, chiếm gần 50% toàn tỉnh. Ðơn cử như toàn tỉnh có 8.000 ca bệnh SXH thì TP. Biên Hòa có đến 3.500 ca. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh không thể chủ quan. Riêng năm 2018, đã có gần 4.800 ca SXH, tăng gần 50% so với 2017. “Biên Hòa có quá nhiều nhà trọ, cơ sở nhà trẻ tự phát đông nên việc phòng, chống dịch bệnh ở những nơi này còn nhiều khó khăn”, BS. Trai nói.
Trong năm 2018, trung tâm y tế đã phối hợp chặt chẽ với các trường học để vệ sinh; đến tận nhà trọ truyền thông về công tác dịch bệnh…
Tại huyện Trảng Bom, nhân viên của Trung tâm Y tế huyện phải chờ phụ huynh của Trường mẫu giáo Ðông Phương đón trẻ để tuyên truyền về tiêm chủng, phòng bệnh. Ðây là trường mẫu giáo có đông trẻ là con công nhân theo học (khoảng 2.000 trẻ). Sau các cuộc trao đổi với nhân viên y tế, phụ huynh đã nộp sổ tiêm chủng cho giáo viên theo dõi lịch tiêm chủng. Nếu phụ huynh không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, nhà trường sẽ không nhận. Nhờ vậy, cả năm 2018, toàn trường chỉ có 1 trường hợp bị mắc bệnh sởi. “Chúng tôi đã mang mô hình này để nhân rộng cho các trường mẫu giáo khác trong toàn huyện nhưng vẫn chưa thu được kết quả như ý muốn”, đại diện Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom nói.
Tại hội nghị, BS. Bạch Thái Bình cũng lưu ý các phòng y tế, trung tâm y tế huyện và trạm y tế cần tham mưu cho chính quyền địa phương tham gia tích cực, vào cuộc ngay khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch và khi dịch bắt đầu tăng. Mỗi địa phương phải có kế hoạch phòng, chống dịch riêng theo tình hình thực tế của từng địa phương. “Năm nay, vào ngày 15-6, sẽ tổ chức chiến dịch truyền thông trên quy mô 171 xã, phường. Còn lực lượng cộng tác viên, chiến dịch diệt loăng quăng sẽ chỉ tập trung ở các địa phương có ổ dịch, ca bệnh cao. Các địa phương cần linh hoạt trong xử lý ổ dịch, chủ động ngăn chặn dịch”, BS. Bình cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét chế tài xử phạt các đơn vị không phối hợp với ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh.
Xem xét sử dụng phần mềm quản lý ổ dịch.
BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, số tiền dành cho cộng tác viên y tế là 7 tỷ đồng/năm, chia cho 3.000 cộng tác viên thì mỗi người thu nhập không cao. Thời gian tới, ngành Y tế sẽ thay đổi cách làm, chỉ tập trung cho những người làm được việc. Ngoài ra, Sở Y tế cũng xem xét đến việc sử dụng phần mềm quản lý ổ dịch. Phần mềm này sẽ xác định rõ ổ dịch nằm ở đâu trên bản đồ, báo ca mắc SXH mới, mức độ lây lan, khoanh vùng ổ dịch cần xử lý…
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập