Vé xe buýt nghĩa tình…

Thứ ba - 14/05/2019 22:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trước tình hình còn nhiều học sinh có hoàn cảnh nghèo, điều kiện đi học khó khăn vì nhà ở sâu trong rừng (thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), các cơ quan chức năng và mạnh thường quân đã quan tâm hỗ trợ thường xuyên tiền vé xe buýt để tạo điều kiện các em đến trường. Chương trình “vé xe buýt nghĩa tình” đã thực hiện được hơn 3 năm qua, giúp cho việc đến trường học chữ của các em được đều đặn hơn.​

Nhọc nhằn con đường đến lớp

Cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi có dịp về khu vực Bà Hào (thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) và đã chứng kiến nhiều học sinh đứng chen lấn ở lòng lề đường, một tay xách cặp, một tay vẫy đón xe. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em phải tự đến trường bằng cách xin “quá giang” xe dọc đường. Hôm nào may mắn gặp được người tốt bụng cho đi nhờ xe thì các em đến được trường học, nhưng cũng có hôm không ai cho đi nhờ thì các em đành phải nghỉ học vì đường đến trường cách xa hàng chục cây số. Do vậy, việc đến trường học chữ của một số học sinh bị gián đoạn.

Theo những người dân sống lâu năm, đặc thù của xã Mã Đà có nhiều cụm dân cư sinh sống phân tán sâu trong rừng (khu vực C3, Suối Tượng, Phân trường 3, Bà Hào, Cây Sung) và cách xa trung tâm xã; điều kiện về thiết chế phục vụ cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, các ấp 3, 4 và một số khu vực khác vẫn chưa có điện lưới quốc gia; trạm y tế và Trường THCS Mã Đà lại nằm tại trung tâm xã và cách xa các cụm dân cư từ 10 đến trên 20km. Đa số hộ dân sống bằng nghề làm thuê, làm mướn và khai thác đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An với mức thu nhập thấp. Cuộc sống bấp bênh dẫn đến điều kiện đến trường của các em học sinh trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhờ có chương trình hỗ trợ tiền vé xe buýt, các em học sinh đi học đều đặn hơn.

Ông Nguyễn Văn Nam (ấp 4, xã Mã Đà) cho hay: “Đối với cấp tiểu học, các em sẽ học tại chỗ ở điểm trường phụ gần nhà, do các thầy cô từ cơ sở chính vào giảng dạy. Nhưng khi lên bậc THCS, các em buộc phải băng rừng lội suối ra tận ngoài trung tâm xã mới có điểm trường. Vì vậy, không ít em vì điều kiện khó khăn mà chẳng có cơ hội được theo đuổi con chữ…”.

Thấy được sự gian nan của việc đến trường, những năm qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, mạnh thường quân đã quan tâm và tổ chức nhiều chương trình chăm lo cho học sinh nghèo ở miền sơn cước xã Mã Đà. Một trong những chương trình thiết thực đó là hỗ trợ tiền mua vé xe buýt hằng tháng nhằm giúp các em có điều kiện đến trường học chữ. Cụ thể, trong hai năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018, Huyện đoàn Vĩnh Cửu bắt đầu thực hiện công trình thanh niên “Hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” trên địa bàn xã Mã Đà; ngoài việc đóng góp của các đoàn viên thanh niên, mạnh thường quân, Huyện đoàn đã vận động thêm các doanh nghiệp, tổ chức ở các địa phương và đã hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho 43 em với số tiền trên 300 triệu đồng.

Bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình “Hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2018 - 2020”, Huyện đoàn Vĩnh Cửu tiếp tục bàn giao công trình thanh niên này với số tiền 100 triệu đồng cho 43 học sinh đang học tại Trường THCS Mã Đà. Chương trình do Công ty TNHH Bắc Hoằng tài trợ. Đây là niềm vui lớn không chỉ của gia đình các em mà của cả thầy trò Trường THCS Mã Đà, vì nhờ có chương trình mà học sinh không còn đón xe dọc đường để đi nhờ hoặc tự đạp xe hàng chục cây số đường rừng đến trường như trước đây.

Tiếp sức những ước mơ

Từ ngày được nhận hỗ trợ vé xe buýt, cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khác, em Phan Thanh Vân (học sinh lớp 7, ngụ ở ấp 4) rất vui và siêng năng đến trường học chữ. Để có mặt tại trường lúc 6 giờ sáng, Vân phải thức dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để chuẩn bị đồ đạc, sửa soạn cặp sách, ăn sáng. Sau đó, em phải “cuốc bộ” 5km đường đèo dốc, khúc khuỷu để đến điểm tập trung đón xe buýt. Đúng 5 giờ, xe lăn bánh đưa Vân và các bạn tới Trường THCS Mã Đà.

Vân bộc bạch: “Xe buýt chạy rất đúng giờ, nên ai đến trễ vài phút là xe đã chạy, buổi học hôm đó sẽ dở dang. Em đã từng có những ngày đến lớp mà không kịp ăn sáng, ngồi trên xe mà bụng đói cồn cào… Tuy nhiên, không vì thế mà em lơ là việc học. Em tự động viên mình phải nỗ lực học tập để sau này kiếm một cái nghề ổn định, chăm lo cho gia đình”.


Chương trình “Hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2018 - 2020” tại Trường THCS Mã Đà.

Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà Nguyễn Thị Thanh Tuyền chia sẻ, để học sinh nghèo vùng sơn cước được đến trường đều đặn là một nỗ lực rất lớn của các em và phụ huynh, bởi đường sá xa xôi cách trở, giá chi phí ăn uống, đi xe rất cao. Ví dụ, xe đưa đón học sinh từ ấp 3 ra đến trường có giá từ 23.000 đồng/vé (đi và về trong ngày); từ ấp 4 đến trường có giá 25.000 đồng/ngày; từ khu vực Bà Hào đến trường là 18.000 đồng/ngày… Như vậy, mỗi học sinh phải chi bình quân mỗi tháng khoảng từ 500.000 đồng đến trên 700.000 đồng cho tiền xe, chưa kể các khoản ăn uống, chi tiêu khác. Trong khi, bố mẹ của các em phải vất vả làm thuê, làm mướn kiếm sống từng ngày…

Xã Mã Đà hiện vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, các em học sinh còn nhiều thiệt thòi trong việc đến trường. Chương trình hỗ trợ vé xe buýt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Do vậy, cần tiếp tục duy trì chương trình để giúp các em vượt qua khó khăn đi tìm con chữ và nuôi ước mơ thay đổi cuộc đời. Về vấn đề này, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, để chương trình tiếp tục duy trì lâu dài, Huyện đoàn Vĩnh Cửu sẽ tăng cường công tác vận động với mục tiêu càng nhiều học sinh được hỗ trợ chi phí đi lại càng tốt. “Khi hết năm 2020, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Vĩnh Cửu, UBND xã Mã Đà, các mạnh thường quân tiếp tục quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa về vật chất và tinh thần đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc hỗ trợ vé xe buýt, chúng tôi còn tặng nhiều thứ khác, như: sách vở, áo quần, bút viết… để các em được học tập đầy đủ hơn”, anh Bình nói. 

Chung tay giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn

Năm 2008, Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã sửa chữa lại nhà ở công nhân cũ của lâm trường thành ký túc xá để tạo điều kiện cho các em học sinh vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn đến ở để học tập. Hiện tại, có khoảng 22 em học sinh đang ở ký túc xá và học tập tại Trường THCS Mã Đà. Các em ở đây đều được hỗ trợ miễn phí về chỗ ở, điện, nước… Bên cạnh đó, ký túc xá còn có người canh trực, giữ gìn an ninh trật tự; có người nấu ăn cho các em vào buổi trưa và buổi chiều. Ngoài ra, các em còn được nhóm thiện nguyện “Gió” và các anh chị đoàn viên Khu bảo tồn đến dạy kèm các môn học.

Từ khi ký túc xá được thành lập cho đến nay, tỷ lệ nghỉ học của các em trong độ tuổi học THCS tại các khu vực ấp 3, 4, 5 xã Mã Đà giảm rõ rệt. Hằng năm, tỷ lệ học sinh thi đậu vào Trường THPT Trị An đạt trên 80%. Hiện có nhiều em đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh; một số em đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

36,179

Tổng lượt truy cập

555,053,436
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây