Chiều 14-5, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hòa Hiệp đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cấp tỉnh. Tham dự cuộc họp có các sở, ban, ngành, các trường đại học là thành viên Ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, đại diện Sở GD-ĐT đã báo cáo sơ lược về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT đã cơ bản hoàn thành các công tác chuẩn bị cho kỳ thi như: tổ chức phổ biến quy chế thi cho giáo viên, học sinh; thu hồ sơ đăng ký dự thi, nhập dữ liệu; thành lập tổ kiểm tra hồ sơ của đối tượng thí sinh tự do nhằm tránh trường hợp hồ sơ giả; làm thủ tục mua sắm camera để lắp đặt kịp thời trước khi kỳ thi diễn ra…
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng tổ chức 5 nhóm thanh tra gồm: thanh tra công tác chuẩn bị trước kỳ thi; thanh tra công tác sao in đề thi, coi thi; các tổ thanh tra tại các điểm thi; tổ giám sát hoạt động thanh tra; tổ trực thanh tra tại Sở GD-ĐT để nắm thông tin tại các điểm thi, tham mưu xử lý khi xảy ra các tình huống bất thường. Sau kỳ thi sẽ có các tổ thanh tra: thanh tra chấm tự luận; thanh tra công tác chấm phúc khảo bài tự luận; thanh tra công tác xét công nhận tốt nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Đồng Nai có hơn 27.700 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có hơn 1.071 thí sinh đăng ký đồng thời 2 bài thi tổ hợp. Những thí sinh này sẽ buộc phải hoàn thành cả 2 bài thi nếu muốn xét công nhận tốt nghiệp. Trong trường hợp các em chỉ hoàn thành 1 trong 2 bài thi đã đăng ký thì sẽ không được xét tốt nghiệp (rớt tốt nghiệp) dù điểm bài thi thứ nhất cao. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ đặc biệt lưu ý các thí sinh cần nắm chắc và thực hiện đúng quy định. Với những thí sinh xác định lại chỉ có thể thi 1 tổ hợp thì có thể thực hiện điều chỉnh đăng ký.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp tốt với các trường đại học trong công tác tổ chức kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị rà soát lại dữ liệu đăng ký thi của thí sinh để điều chỉnh những sai sót nếu có; kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi, điểm coi thi - chấm thi; tăng cường công tác thanh tra, giám sát các khâu của kỳ thi THPT quốc gia; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các trường học cần phổ biến kỹ quy chế thi, đặc biệt là lưu ý những thiết bị không được mang vào phòng thi; không được bỏ thi 1 trong 2 bài thi tự chọn đã đăng ký. Chọn cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi phải là những người có năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt; phải được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn đầy đủ. UBND tỉnh sẽ kiểm tra, đôn đốc bộ phận chuyên môn nhằm hỗ trợ trang bị kịp thời hệ thống camera cho các điểm bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi…
Sở LĐ-TBXH cần quan tâm chỉ đạo việc tổ chức ôn thi, phổ biến quy chế thi cho thí sinh tại các trường nghề. Các sở, ngành khác cần phối hợp tốt cùng Sở GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi như: rà soát, điều tiết tình hình giao thông, hỗ trợ thí sinh di chuyển trong kỳ thi; đảm bảo cung cấp điện, phương tiện thông tin thông suốt; kiểm tra tình hình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ chăm sóc y tế cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi và cho thí sinh…
Trước đó, sáng 14-5, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019. Một trong những nội dung được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tại hội nghị là việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong suốt kỳ thi. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần phân công đúng người, đúng việc, đúng quy trình. Mọi công đoạn của kỳ thi đều phải tăng cường thanh kiểm tra...
T.Vi
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập