Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp

Thứ ba - 14/05/2019 23:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Dù đã thực hiện các biện pháp dập và khống chế dịch, tuy nhiên ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) thứ 5 đã bùng phát trên địa bàn tỉnh. Hiện tại Đồng Nai đã ghi nhận 5 ổ dịch trên địa bàn 5 xã của 3 huyện.​

Nguy cơ từ chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo UBND tỉnh, đến thời điểm này, trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện 5 ổ dịch ASF tại 5 xã gồm: Đồi 61, Bình Minh (huyện Trảng Bom); Phước Thiền, Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) và Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Trong đó, xã Tân Bình là nơi phát sinh ổ dịch mới nhất.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, kết quả xét nghiệm mẫu heo tại 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đã cho kết quả dương tính với ASF.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện Vĩnh Cửu đã khoanh vùng dịch, tiêu hủy toàn bộ 63 con heo tại trại nuôi này. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng tại trang trại của gia đình có heo mắc bệnh và vùng lân cận. Huyện Vĩnh Cửu cũng đang triển khai tiêu độc, khử trùng tại các chợ, cơ sở giết mổ (mỗi ngày 1 lần). Huyện đã chi hơn 370 triệu đồng mua trên 100 tấn vôi bột phát miễn phí cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Địa phương cũng thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, kiểm soát tất cả heo ra, vào huyện.


 Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng xe vận chuyển heo tại chốt kiểm dịch xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 870 con heo nhiễm bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Tại các xã thuộc huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, dịch cơ bản đã được khống chế, khoảng 3 tuần qua chưa phát hiện thêm ổ dịch mới. Cũng theo cơ quan này, thực tế cho thấy các ổ dịch đều phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Trần Văn Quang cho hay, qua khảo sát tại 5 ổ dịch, cơ quan chức năng đã xác định 2 nguyên nhân chính gây bệnh dịch là do quá trình vận chuyển và sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho heo. “Tại 1 ổ dịch ở huyện Nhơn Trạch, đàn heo lai rừng bị nhiễm ASF được xác định là do sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn. Trong khi đó, tại ổ dịch ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), nguyên nhân gây bệnh là do phương tiện vận chuyển từ lò mổ đi vào trại nuôi”, ông Quang cho hay.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Trần Văn Quang, với các nguyên nhân lây lan dịch bệnh nói trên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dịch rất cao. “5 ổ dịch hiện tại được phát hiện đều ở quy mô gia đình. Trong khi đó, đối với các trại nuôi của doanh nghiệp việc kiểm soát người, phương tiện ra vào trại thực hiện nghiêm ngặt nên ít nguy cơ hơn. Ngoài ra, các trại nuôi của doanh nghiệp cũng không sử dụng thức ăn dư thừa để cho heo ăn”, ông Quang cho biết thêm.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho thấy, hiện trại nuôi bị nhiễm dịch có tổng đàn lớn nhất là hộ nuôi ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom với quy mô 417 con heo. Các hộ còn lại quy mô đàn nuôi đều dưới 300 con.

Xin cơ chế không hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi có tổng đàn lớn

Tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước để chỉ đạo công tác phòng chống dịch ASF, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết: vì Đồng Nai có tổng đàn heo lớn, nếu tính thiệt hại trên tổng đàn thì mức hỗ trợ có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, địa phương không thể cân đối được nguồn kinh phí. Do đó, tỉnh xin cơ chế không hỗ trợ cho doanh nghiệp có tổng đàn lớn.

Theo thống kế, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai có khoảng 2 triệu con, trong số này có 25% thuộc quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, 75% tổng đàn là chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi.

Xin cơ chế không hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi có tổng đàn lớn

Tại cuộc họp trực tuyến do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước để chỉ đạo công tác phòng chống dịch ASF, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết: vì Đồng Nai có tổng đàn heo lớn, nếu tính thiệt hại trên tổng đàn thì mức hỗ trợ có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, địa phương không thể cân đối được nguồn kinh phí. Do đó, tỉnh xin cơ chế không hỗ trợ cho doanh nghiệp có tổng đàn lớn.

Theo thống kế, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai có khoảng 2 triệu con, trong số này có 25% thuộc quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, 75% tổng đàn là chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi.

Không chỉ tại Đồng Nai, dịch bệnh ASF cũng đang diễn biến rất phức tạp trên quy mô toàn quốc. Do đó, ngày 13-5, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước bằng hình thức trực tuyến để chỉ đạo công tác phòng chống dịch ASF.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam và cả thế giới, chưa có loại dịch bệnh nào đáng sợ, gây ra thiệt hại nặng và không thể kiểm soát bằng vắc xin như dịch ASF. Tính từ thời điểm đầu tháng 2, khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay cả nước đã phải tiêu hủy hơn 1,2 triệu con heo tại 29 tỉnh, thành vì ASF. Con số thiệt hại khủng khiếp này, có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới. “Điều kiện hiện nay quá thuận lợi cho dịch ASF, thời tiết mưa, nắng thất thường, không vắc xin đặc trị, không kinh nghiệm phòng, chống…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Dù là dịch bệnh nguy hiểm, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, thực tế kiểm tra của các đoàn công tác do Bộ tổ chức thời gian qua cho thấy, tại một số địa phương trong cả nước, việc chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết chưa triệt để, chưa bố trí đủ lực lượng tiêu hủy heo đảm bảo đúng thời gian quy định, để người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác heo ra môi trường… gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Một số địa phương còn chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo phải tiêu hủy và chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh ASF.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng, chống ASF.

Phó thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh ASF. Các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo thành lập ngay các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 

Đề xuất huy động lực lượng vũ trang chống dịch ASF

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu không ngăn chặn tốt, dịch ASF sẽ phát triển theo cả 3 hướng: tái xuất ổ dịch mới ở nơi đã được khống chế; lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn heo lớn. Trường hợp kịch bản trên xảy ra sẽ “vô cùng thảm khốc”, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe doạ một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). “Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để ASF lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Đây là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, không thể cho phép nguồn dịch bệnh lây lan ra môi trường trên diện rộng. Để công tác tiêu hủy đảm bảo đúng kỹ thuật thì Quân đội, Công an phải là lực lượng nòng cốt, vì tính kỷ luật cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập

Hôm nay

26,892

Tổng lượt truy cập

555,044,149
Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây