Vượt khó để khởi nghiệp

Thứ tư - 17/05/2023 21:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Vừa qua, Sở KH-CN đã tổ chức tôn vinh 22 phụ nữ tiêu biểu trong hoạt động sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai. Trong số đó, có nhiều phụ nữ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khởi nghiệp, đem lại không chỉ lợi ích cho bản thân, gia đình mà cả cộng đồng.

img1-17-5-2023-hung.jpg?t=1753174688

Tôn vinh phụ nữ là chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tỉnh​​

Nặng lòng với sen

Chị Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) cho biết, khoảng năm 1998-2000, người dân ở địa phương trồng sen rất nhiều vì có 1 công ty Đài Loan hợp đồng bao tiêu. Tuy nhiên, chỉ được 1, 2 mùa đầu, đến mùa thu hoạch tiếp theo, do chất lượng sen của bà con nông dân không đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty nên nhiều nông dân không bán được sen. Vì thế mà sen bị bỏ ngoài đồng rất nhiều, đời sống của người dân trên địa bàn huyện rơi vào khó khăn.

img3-17-5-2023-hung.jpg?t=1753174688

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng, thưởng thức các sản phẩm từ sen của chị Nguyễn Thị Bích Lệ

Trước thực tế trên, chị Lệ đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp nhằm tận dụng nguồn sen sẵn có tại địa phương, giúp nông dân có thu nhập, đời sống ổn định hơn.

Năm 2000, chị Lệ thành lập cơ sở thu mua toàn bộ số sen mà Công ty Đài Loan không thu mua. Sau đó, chế biến thành các sản phẩm làm từ sen như: trà sen, bột sen, hạt sen sấy…

Chị Lệ suy nghĩ, để phát triển lâu dài, đưa sản phẩm ra thị trường thì các sản phẩm phải có thương hiệu, nhãn mác, bao bì rõ ràng. Vì thế, đến tháng 6-2020, chị Lệ đã liên kết với 50 hộ dân trong huyện để trồng sen và bao tiêu sen, thành lập HTX nông nghiệp dịch vụ Trường Phát. Cũng năm đó, chị Lệ dự thi Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Phụ nữ tổ chức và đạt giải nhì.

Sau cuộc thi đó, chị Lệ tiến hành các thủ tục để cho ra đời logo thương hiệu Trường Phát, chứng nhận OCOP, ISO 2018…đối với các sản phẩm làm từ sen. Đến nay, hợp tác xã thương mại dịch vụ Trường Phát có 1 nhà xưởng chế biến sản phẩm với diện tích 200m2, có 50 công nhân làm việc cơ hữu và theo mùa vụ tại xưởng. Hợp tác xã đã chế biến được 19 sản phẩm từ cây sen, trong đó có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP (13 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao).

Chị Lệ tâm sự, hơn 20 năm qua, chị ăn cùng sen, ngủ cùng sen và luôn đau đáu tìm đầu ra cho cây sen quê nhà. Ngoài những kiến thức có được, chị Lệ thường xuyên lên mạng hoặc đi thực tế ở những nơi khác để học hỏi kinh nghiệm, đưa ra giải pháp tối ưu cho sự phát triển của hợp tác xã.

“Lúc đầu khởi nghiệp do chưa có nhiều kinh nghiệm, đồng vốn lại hạn chế nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, khi đã dần quen với công việc, tôi nhận được sự hỗ trợ lớn từ các Sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các thủ tục liên quan. Tôi cho rằng, để khởi nghiệp thành công, cần phải có tối thiểu 3 tiêu chí. Đó là thời gian, đam mê và tài chính vững vàng"- chị Lệ tâm sự.

Thời điểm này, các sản phẩm làm từ sen của hợp tác xã dịch vụ Trường Phát đã được 68 đại lý trong cả nước bày bán. Không những thế, các sản phẩm này đang được đưa vào các siêu thị của Đồng Nai; kết nối với hệ thống siêu thị của TP.HCM để tiêu thụ.

Đam mê làm nhang thảo mộc

Chị Lê Thị Cẩm Vân, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vfarm khởi nghiệp đã được hơn 1 năm. Việc chị Vân khởi nghiệp không nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía gia đình. Bởi lẽ, gia đình chị Vân cho rằng, chị được ăn học đàng hoàng, có bằng cấp hẳn hoi nên tìm một công việc ổn định. Còn việc khởi nghiệp với nhang thảo mộc – một mặt hàng có sức tiêu thụ chưa cao sẽ khiến cho công việc của chị khó khăn.

img2-17-5-2023-hung.jpg?t=1753174688 

Nhang thảo mộc của chị Cẩm Vân được giới thiệu ở nhiều hội nghị, sự kiện

Chia sẻ về vấn đề này, chị Cẩm Vân tâm sự, mặc dù có nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, song chị quyết tâm theo đuổi. Bởi mục đích cuối cùng mà chị hướng tới chính là sức khỏe của người tiêu dùng.

Cẩm Vân cho hay, Việt Nam là đất nước có tôn giáo đa dạng, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Hằng tháng, cứ đến mùng 1, rằm hoặc các ngày lễ, tết, người dân thường có thói quen thắp nhang lên bàn thờ ông bà, tổ tiên kèm trái cây, bánh kẹo, thực phẩm để tưởng nhớ. Đồng thời hy vọng tổ tiên có linh thiêng sẽ phù hộ, độ trì cho con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc.

Tuy nhiên, đa số người dân thường có thói quen mua và sử dụng nhang ở ngoài chợ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được làm từ những hóa chất không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chị Vân muốn sản xuất ra một loại nhang thảo mộc để mỗi khi các gia đình thắp que nhang sẽ giúp tinh thần đỡ mệt mỏi, bảo vệ môi trường.

Nhang được làm từ các loại thảo mộc như củ chảo, sả, hương bài, vỏ bưởi, vỏ quế, tận dụng vỏ bưởi phơi khô, nghiền thành bột, khuấy trộn để làm nhang, hoàn toàn mùi tự nhiên, không hề có bất kỳ hóa chất nào.


Do được làm từ thảo mộc, chất lượng, hình ảnh tốt nên giá bán một bó nhang thảo mộc gấp 3 so với nhang bán ngoài chợ không có thương hiệu, nhãn mác. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người chưa lựa chọn nhang thảo mộc. Tuy nhiên, theo chị Vân, khi người dân có ý thức hơn về tầm quan trọng của sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình, họ sẽ không ngần ngại lựa chọn nhang thảo mộc.

Ngoài sản phẩm nhang thắp, cơ sở của chị Vân chuẩn bị cho ra đời dòng sản phẩm nhang nụ để xông nhà, bột xông nhà, xông giải cảm…hướng tới các sản phẩm từ thảo mộc, tâm linh, phong thủy, thờ cúng trong gia đình, các cơ sở thờ tự.

Chị Vân cho hay, chị cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các Sở, ngành trong tỉnh. Mỗi khi có hội chợ, sự kiện liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chị Vân đều được ưu ái đi giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến khách hàng.


Tác giả: Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây