(CTT-Đồng Nai) Ngày 19-5, tại Bảo tàng Đồng Nai, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia và khai mạc triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa. Đến dự lễ có các đồng chí: Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong (bìa trái) trao quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong (bìa trái) trao quyết định công nhận Bảo vật quốc gia cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Sáng tạo nghệ thuật bản địa đặc sắc
Tại lễ công bố, Sở VH-TTDL đã báo cáo hồ sơ khoa học bảo vật quốc gia sưu tập đàn đá Bình Đa; công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia sưu tập đàn đá Bình Đa.
Theo đó, đàn đá là một trong những loại hình di vật khảo cổ học tiêu biểu vào bậc nhất của văn hóa vật chất thời nguyên thủy ở miền Nam Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu về âm nhạc thì đàn đá “có tiếng ngân vang trong trẻo tạo nên mỹ cảm âm nhạc”, có tuổi “cổ nhất thế giới” và “nó không giống bất cứ một nhạc cụ nào mà khoa học đã biết”. 7 thập kỷ nay, sản phẩm văn hóa đặc sắc này phần lớn chỉ được phát hiện ngẫu nhiên, rất hiếm khi phát hiện nguyên trạng trong tầng văn hóa, đi kèm theo các chứng tích khảo cổ học khác.
Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, tháng 12-1979, lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được trong Di chỉ khảo cổ Bình Đa 47 thanh đàn và phiến đoạn của đàn đá cùng nằm chung với các loại rìu đá, đục đá. Việc phát hiện được đàn đá Bình Đa cùng với các công cụ bằng đá và đồ gốm cổ từ trong di chỉ khảo cổ học là một sự kiện rất quan trọng giúp cho các nhà nghiên cứu có thể giải đáp được một cách chính xác câu hỏi về niên đại. Sự phát hiện quan trọng này đã đem lại đầy đủ cứ liệu khoa học để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam đã xuất hiện khoảng 3.000-4.000 năm trước.
“Trong nhận thức chuyên ngành khảo cổ học, niên đại tương đối của các khám phá đàn đá ngẫu nhiên ở Nam Trường Sơn chỉ có thể bằng phân tích so sánh loại hình học của chúng với chính các “giàn”, “bộ” đàn chuẩn ở Lộc Hòa, Đa Kai, kể cả các thanh, đoạn đàn nguyên hình ở Bình Đa - di sản đàn đá có địa tầng văn hóa khảo cổ học chứa đựng chứng tích hoạt động con người đương thời ở cả miền văn hóa này. Không chỉ thấu hiểu “chuỗi nhạc” của đàn đá, mà còn có thể hiểu chính xác thêm niên đại sáng chế và sử dụng đàn đá “cổ nhất” Việt Nam. Sự gần gũi về chất liệu đá sừng, các đặc trưng chung về kỹ nghệ chế tác và cấu tạo hình dáng di vật đàn đá Lộc Hòa, Đa Kai so với các sưu tập đàn đá được đưa lên khỏi tầng văn hóa khảo cổ học tiền sử ở Bình Đa” - ông Ân nói.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa
Giới thiệu bảo vật gắn với hoạt động du lịch
Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia đàn đá Bình Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, sưu tập đàn đá Bình Đa là sản phẩm văn hóa tiêu biểu, độc bản đặc biệt, được sản xuất tại chổ trên vùng đất Đồng Nai cổ xưa, là nhạc cụ cổ xưa đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá điêu luyện của cư dân thời tiền sử ở vùng Đông Nam bộ. Đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học…của đất nước, là một trong những hiện vật hội tụ tinh hoa văn hóa của con người, vùng đất Đồng Nai.

Các đại biểu tham quan triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai
Các đại biểu tham quan triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai
Để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các bảo vật quốc gia của tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh giao Sở VH-TTDL tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy chế, chính sách để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật quốc gia gắn với hoạt động du lịch. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các hiện vật có đầy đủ những tiêu chí để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ngoài ra, thu thập đủ bộ đàn đá Bình Đa để quảng bá, tổ chức biểu diễn, phát huy giá trị di sản.
Trong khuôn khổ của lễ công bố, Sở VH-TTDL đã tổ chức triển lãm Di chỉ khảo cổ học Bình Đa. Triển lãm giới thiệu đến người dân và du khách tham quan các hiện vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Bình Đa, trong đó có bộ sưu tập đàn đá Bình Đa (51 thanh, đoạn đàn đá). Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 12-8.

Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia
Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Lễ công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia