Tiềm năng phát triển giao thông đường thủy

Thứ hai - 07/08/2023 11:04
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTTĐT-Đồng Nai) - Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2,3 ngàn km, trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai với chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh khoảng 220km. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy.

Tuyến sông Đồng Nai hiện nay chủ yếu phát triển giao thông thủy trên lĩnh vực vận chuyển vật liệu xây dựng
Tuyến sông Đồng Nai hiện nay chủ yếu phát triển giao thông thủy trên lĩnh vực vận chuyển vật liệu xây dựng

Nhiều lợi thế trong phát triển giao thông đường thủy
 
Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất của cả nước, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Đồng thời, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế cũng chiếm tỷ lệ cao.
 
Đây chính là lợi thế rất lớn của Đồng Nai trong phát triển giao thông đường thủy trên lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là trên tuyến sông Đồng Nai.

Để phục vụ sản xuất, nhu cầu vận chuyển nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú, đây là nguồn hàng rất lớn cần vận chuyển bằng đường thủy.
 
Bên cạnh vận chuyển hàng hoá bằng đường thủy, Đồng Nai cũng xác định việc phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với ngành vận tải hành khách bằng đường thủy.
 
Ngoài chi phí đầu tư thấp, các tuyến vận tải đường thủy còn có lợi thế cạnh tranh hơn so với đường bộ là có thể khai thác lâu dài nhưng ít phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
 
Trong khi đó, theo kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được. Không chỉ là dòng sông mang trên mình các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan, sông Đồng Nai còn mang lại giá trị lớn về giao thông. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn tỉnh rất hiếm khi xảy ra lũ và lũ cũng không lớn.
 
Quy hoạch đồng bộ
 
Dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, song cho đến nay, việc phát triển giao thông đường thuỷ bao gồm trên tuyến sông Đồng Nai là chưa xứng tầm.
 
Trên tuyến sông Đồng Nai hiện nay, giao thông thuỷ chỉ mới phát triển ở lĩnh vực vận tải hàng hoá, trong đó chủ yếu phục vụ việc vận chuyển các loại vật liệu xây dựng. Trong khi đó, dù trải dài từ H.Tân Phú đến H.Nhơn Trạch nhưng vận tải hành khách trên sông Đồng Nai lại gần như chưa chưa được khai thác.
 
Đồng Nai hiện cũng có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, sự kết nối về giao thông đường thủy, đặc biệt là trên lĩnh vực phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương trên chưa có. Cụ thể, mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến buýt đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác.
 
Theo Sở GT-VT, tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh bình quân hằng năm ước đạt 3,3 triệu lượt khách/năm, bằng khoảng 6% so với sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ.
 
Từ thực tế đó, hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Giao thông phải có quy hoạch lại đầy đủ để khai thác các tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy, trong đó có tuyến sông Đồng Nai.
 
Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, liên danh đơn vị tư vấn cũng đã xác định việc phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ là một trong những lĩnh vực quan trọng trong chiến lược xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
 
Cụ thể, việc hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông đường thuỷ sẽ được triển khai đồng bộ từ việc chỉnh trị, cải tạo, nâng cấp hệ thống luồng hàng hải trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho tàu ra vào thuận lợi và đồng bộ với quy mô cảng biển đã được quy hoạch.
 
Đối với mạng lưới đường thủy của tỉnh, quy hoạch trước hết phải đảm bảo 2 khả năng thích ứng với những thay đổi của tổng mặt bằng đã hình thành và thích ứng với những chương trình tương lai sẽ phát triển. Mạng lưới giao thông thủy với 2 khối chuyên ngành là luồng tuyến và cảng - bến cũng sẽ được quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ về quy hoạch luồng tuyến và quy hoạch cảng - bến.

Tác giả: Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây