(CTT-Đồng Nai) - UBND tỉnh đã ban hành quyết định tuyển chọn và triển khai 6 nhiệm vụ KH-CN theo diện đặt hàng, sử dụng ngân sách Nhà nước. Kết quả nghiên cứu của những đề tài này được sử dụng để phục vụ công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025-2030)

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường chủ trì Hội đồng KH-CN tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường chủ trì Hội đồng KH-CN tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức, năng lực
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị được Hội đồng KH-CN tỉnh Đồng Nai lựa chọn chủ trì thực hiện đề tài Xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai.
PGS-TS.Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chủ nhiệm đề tài cho biết, ngay sau khi nhận được đặt hàng của tỉnh Đồng Nai, nhóm nghiên cứu đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ, xây dựng đề cương, kế hoạch, lộ trình… để thực hiện.
Đối với đề tài này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường đề nghị đơn vị thực hiện đề tài tập trung nghiên cứu đối tượng là những cán bộ được bổ nhiệm, phê chuẩn, chỉ định giữ chức vụ ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Cần tìm hiểu hướng phát triển trong 5 năm tới của tỉnh Đồng Nai để xây dựng tiêu chí đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý công việc, xử lý tình huống… Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề đạo đức của cán bộ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường lưu ý, đặc biệt, sắp tới đây, khi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, tỉnh cần có đội ngũ cán bộ am hiểu về luật pháp quốc tế, logistics, tài chính, công nghệ cao, sân bay, kinh tế tri thức…
Đối với đề tài Công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai – Thực trạng (2014-2024) và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới (giai đoạn 2025-2030), đồng chí Quản Minh Cường nhấn mạnh, đích đến cuối cùng của công tác dân vận là chăm lo tốt cho đời sống của nhân dân.
Do vậy, Học viện Cán bộ TP.HCM (đơn vị chủ trì thực hiện đề tài) cần nghiên cứu sâu hơn nữa về công tác dân vận theo từng nhóm đối tượng trên địa bàn Đồng Nai. Đặc biệt, tập trung vào các mô hình dân vận khéo, mô hình dân vận điểm đã làm tốt cũng như chưa tốt để rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Phục vụ đời sống của người dân ngày càng tốt hơn
Với đề tài Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình đề nghị Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu, phân tích sâu các chỉ số kinh tế - xã hội của Đồng Nai thời gian qua, nhất là những vấn đề chưa đạt được để từ đó chỉ ra các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo PSG-TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy (chủ nhiệm đề tài), nhóm nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu những kết quả đạt được trên các lĩnh vực như nhà ở, việc làm, thu nhập, nước sạch, BHYT, giảm nghèo, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội… của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó chỉ ra các mối tương quan về chất lượng cuộc sống của người dân giữa các địa bàn, nhóm dân cư, khu vực trong tỉnh để thầy khoảng cách, những khó khăn và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả về chất lượng cuộc sống của người dân.
Bên cạnh các đề tài trên lĩnh vực chính trị, xã hội, các đề tài khoa học trên lĩnh vực kinh tế cũng được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trong đó, đề tài Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung tăng cường đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2024. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế trong tỉnh kết nối với hạ tầng các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển KH-CN. Đổi mới tư duy đầu tư phát triển, đổi mới cơ chế, phương thức đầu tư, kinh doanh, quản lý để huy động tổng thể các nguồn lực.
Đơn vị thực hiện đề tài là Viện Nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình hội nhập và kết nối hạ tầng kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở, thúc đẩy các dự án trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà.
2 trong số 6 đề tài khoa học còn lại được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững; Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.