Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều khó khăn, bởi các vụ vi phạm ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp

Thứ tư - 09/08/2023 08:21
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) trong thời gian qua, đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với ổn định dân cư trong lâm phận. Tuy nhiên, tình trạng người dân nhận khoán tự ý chặt cây rừng mà chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng vẫn còn xảy ra. Thậm chí, một số đối tượng manh động, sẵn sàng chống đối khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ khiến công tác giữ rừng gặp nhiều áp lực.

Các vụ việc khai thác cây rừng trái phép tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý theo quy định
Các vụ việc khai thác cây rừng trái phép tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý theo quy định

Quan tâm đến công tác giữ rừng

BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ diện tích hơn 10,3 ngàn ha rừng thuộc địa phận H.Xuân Lộc và một phần của tỉnh Bình Thuận. Hiện trong lâm phận có hơn 2,2 ngàn hộ dân nhận khoán canh tác trên diện tích trên 7 ngàn ha và hầu hết cư trú trong H.Xuân Lộc.

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức lực lượng đi tuần tra, kiểm soát các hoạt động sử dụng đất rừng nhằm nắm chắc tình hình dân cư trong lâm phận. Đồng thời, phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng...

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện đất đai của đơn vị đã được sử dụng đúng mục đích sản xuất lâm nghiệp, từng bước phù hợp với quy hoạch các loại rừng với diện tích các loài cây rừng và cây công nghiệp lâu năm chiếm tuyệt đối, tạo nên độ che phủ cao, có tác dụng phòng hộ tích cực.

Thông qua việc giao khoán đất đã góp phần tích cực giải quyết về công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, góp phần vào việc giữ vững ổn định xã hội nông thôn trong khu vực. Nhiều hộ nhận khoán đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có cuộc sống tương đối ổn định và ngày càng được cải thiện. “Nhìn chung, hầu hết người dân trong lâm phận đều an tâm sản xuất nghề rừng và chấp hành tốt các hướng dẫn của chủ rừng và quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng” - ông Long chia sẻ.

Những áp lực

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn những áp lực, bởi các vụ vi phạm về đất lâm nghiệp, khai thác rừng phòng hộ ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Theo ông Hoàng Đình Long, một số hộ nhận khoán tại ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm thường xuyên đòi hỏi quyền lợi bằng cách yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Mặc dù BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cùng các cấp, các ngành đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích, đồng thời trực tiếp trả lời tại các buổi tiếp xúc cử tri về việc các hộ dân đòi hỏi trên là trái với pháp luật nhưng người dân không đồng ý mà còn cố tình vi phạm về bảo vệ rừng.

Điển hình, vào ngày 1-5-2023, lực lượng của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đi tuần tra tại khu vực Phân trường Trản Táo phát hiện nhóm của ông Đ.Đ.T. đang dùng 2 máy cưa và 1 xe máy cày thực hiện hành vi cưa hạ 25 cây dầu rái và cây ươi với tổng khối lượng hơn 74m3. Tại thời điểm kiểm tra, nhóm của ông Đ.Đ.T. không xuất trình được giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác số cây nêu trên. Tổ công tác yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm trên nhưng nhóm của ông Đ.Đ.T. không hợp tác, đồng thời có những hành vi thách thức lực lượng làm nhiệm vụ…

Ông Long chia sẻ: “Nhiều người dân bất hợp tác, thậm chí có người còn chống đối và không chấp hành trồng rừng theo quy hoạch hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Thậm chí, có trường hợp còn xúc phạm, đe dọa lực lượng chức năng, lôi kéo, kích động người dân không hợp tác với đơn vị chủ rừng, không chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... Điều này đã gây áp lực rất nhiều cho lực lượng bảo vệ rừng”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, mặc dù trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, quản lý, bảo vệ, tiếp xúc, đối thoại và tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng tình hình vi phạm khai thác rừng trái quy định, sử dụng đất không đúng hợp đồng xảy ra tại khu vực Phân trường Trản Táo với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Các đối tượng vi phạm gây thiệt hại đến tài nguyên rừng và mất an ninh trật tự tại địa phương.

Các vụ vi phạm khai thác rừng phải được xử lý dứt điểm, vì nếu không kiên quyết xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng nói riêng và công tác quản lý, bảo vệ rừng của Đồng Nai nói chung. Do vậy, sau khi xem xét nội dung báo cáo, đề xuất của Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc xử lý vi phạm khai thác rừng phòng hộ trái phép tại BQL rừng phòng hộ xuân Lộc trong thời gian tới.

Cụ thể, nhiệm vụ của cơ quan điều tra khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm khai thác rừng trái phép do cơ quan kiểm lâm chuyển giao hồ sơ. Sở NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm kiểm tra, đánh giá việc quản lý hợp đồng khoán rừng và đất lâm nghiệp tại BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc; giám sát, hỗ trợ đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng…

Tác giả: Nhân Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây