Tìm lời giải cho bài toán xã hội hóa giáo dục ở TP.Biên Hòa

Thứ bảy - 05/08/2023 15:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Để khắc phục tình trạng quá tải trường, lớp, những năm qua, TP.Biên Hoà đã ưu tiên đầu tư, xây dựng thêm nhiều trường công lập. Tuy vậy, việc phát triển trường, lớp vẫn không bắt kịp với tốc độ gia tăng của sĩ số học sinh. Do đó, việc khuyến khích xã hội hóa (XHH) giáo dục nhằm phát triển thêm hệ thống trường ngoài công lập là rất cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động XHH giáo dục ở TP.Biên Hòa đang gặp phải nhiều khó khăn.
Cô và trò Trường mầm non Sao Khuê (P.Trảng Dài), một trong những trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP.Biên Hoà.
Cô và trò Trường mầm non Sao Khuê (P.Trảng Dài), một trong những trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP.Biên Hoà.

Phát triển chủ yếu ở khối mầm non
Là thành phố có đông người dân nhập cư đến sinh sống, làm việc nên hàng năm, sĩ số học sinh của TP.Biên Hòa tăng nhiều. Hiện trung bình mỗi năm thành phố tăng khoảng 7 ngàn học sinh (riêng năm học 2023-2024 tăng 9 ngàn học sinh). Trong khi hệ thống trường công lập phát triển không kịp với tốc độ gia tăng dân số thì việc kêu gọi XHH là điều cần thiết.

TP.Biên Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh có trường ngoài công lập với sự ra đời của Trường THPT tư thục Lê Quý Đôn (năm 1998). Đến nay, sau 25 năm, TP.Biên Hòa hiện có 112/234 trường ngoài công lập, trong đó có 96 trường mầm non, 11 trường liên cấp TH-THCS-THPT, 3 trường TH, 1 trường THCS, 1 trường TH-THCS. Tương ứng với đó, số học sinh ngoài công lập ở bậc TH và THCS cũng rất ít (7,3% đối với bậc TH và hơn 12% đối với bậc THCS).

Có thể thấy, việc XHH giáo dục ở TP.Biên Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu phát triển ở bậc mầm non, THPT và không có nhiều trường tư thục ở bậc tiểu học (TH), THCS.

Việc XHH ở bậc TH và THCS còn hạn chế so với các bậc học còn lại là điều dễ hiểu bởi nhiều nguyên nhân. Đây là bậc phổ cập, Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để huy động học sinh đến lớp chứ không thực hiện phân luồng. Do vậy, ở những địa bàn có đông học sinh, dù đã có trường tư thục trong khi trường công thì quá tải nhưng phụ huynh vẫn chọn vào trường công lập để tiết kiệm chi phí.

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, thành phố đã quan tâm, chú trọng trong công tác quy hoạch mở rộng đối với đất cơ sở GD-ĐT. Tuy nhiên, thực tế quỹ đất sạch để có thể kêu gọi đầu tư phát triển trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

Cùng với đó, hiện nay vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù (như các chính sách về đất đai, thuế…) để thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia XHH trong lĩnh vực giáo dục.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng tham gia ngày hội STEM.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng tham gia ngày hội STEM.

Kêu gọi đầu tư cho 12 dự án trường học
Hiện nay, TP.Biên Hòa đã lên danh mục kêu gọi đầu tư XHH giáo dục đối với 11 trường TH và 1 trường THCS với quy mô từ 1,1 ngàn đến hơn 2 ngàn học sinh/trường. Khó khăn lớn nhất của XHH giáo dục chính là vấn đề đất đai, mà cụ thể là thiếu quỹ đất sạch. Vì vậy, để có thể thu hút được các dự án XHH giáo dục thì chúng ta phải giải được bài toán khó này.

Theo đó, TP.Biên Hòa tiến hành rà soát quỹ đất công tại các địa phương phù hợp với quy hoạch giáo dục để giới thiệu xây dựng thêm trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh trên địa bàn, giới thiệu đất cho việc tái định cư các hộ dân giải tỏa trắng.

Trước mắt, 12 dự án trường học nói trên sẽ nằm ở các phường có khả năng giải tỏa, tạo quỹ đất sạch như: Long Bình (4 trường TH), Phước Tân (4 trường TH), Tam Phước (2 trường TH), Tân Hòa (1 trường TH), Long Bình Tân (1 trường THCS). Chỉ khi có đất sạch thì mới có thể mời gọi nhà đầu tư được.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ cập nhật các chủ trương, chính sách của bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh để điều chỉnh kịp thời theo quy định. “Chúng tôi sẽ xây dựng bộ thủ tục hành chính đơn giản, giảm các thủ tục để khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cùng tham gia xây dựng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thành phố”, ông Xuân Thanh chia sẻ.

Cũng theo ông Thanh, việc mời gọi đầu tư, xây dựng các trường ngoài công lập chỉ là một phần của công tác XHH giáo dục. Trên thực tế, XHH giáo dục là việc huy động các nguồn lực trong xã hội để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Do đó, ngoài việc tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường, lớp thì TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy các hoạt động XHH giáo dục khác, theo đúng các chủ trương, quy định hiện hành về XHH giáo dục.

Cụ thể, TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập theo Nghị Định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014 về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; tuyên truyền và đẩy mạnh chủ trương XHH giáo dục theo Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 5-12-2014 của UBND tỉnh về Đề án Phát triển các lĩnh vực Văn hóa xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 và các văn bản của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT.

Tăng cường sự vận động, hỗ trợ của các ban ngành, các tổ chức xã hội như: Hội Khuyến học, Liên đoàn Lao động, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các cơ quan thông tin đại chúng, ban đại diện hội cha mẹ học sinh… trong vấn đề khuyến khích, vận động toàn xã hội tham gia phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

Tiếp tục thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất miễn tiền thuế với các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập theo Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 30-9-2013 của UBND tỉnh về việc miễn, giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án thực hiện XHH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

Thành phố kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần quan tâm, chia sẻ trách nhiệm cộng đồng, tạo điều kiện xây dựng trường mầm non, TH nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp lâu dài và làm việc tốt hơn.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây