Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đảm bảo an toàn, nghiêm túc

Thứ ba - 26/06/2018 23:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong hai ngày qua (25 và 26-6), kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đề thi các môn cũng được giới chuyên môn đánh giá cao vì đã đảm bảo được yêu cầu của kỳ thi “hai trong một”. Hôm nay 27-6, là ngày cuối cùng diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, khoảng 17.000 thí sinh sẽ dự thi tổ hợp Khoa học xã hội để xét tuyển đại học.​

Thắt chặt kỷ luật trường thi

Trong ngày thi đầu tiên (25-6), buổi sáng thi môn Ngữ Văn có gần 28.300 thí sinh dự thi (đạt 99,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Buổi chiều có hơn 28.600 thí sinh dự thi môn Toán (đạt trên 99,4% tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Các điểm thi có đông thí sinh bỏ thi là: THPT Nam Hà, TH-THCS-THPT Nguyễn Văn Trỗi, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Cao đẳng nghề số 8.


 Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tranh thủ xem lại bài trước giờ vào phòng thi.

Trong ngày thi thứ 2, buổi sáng có hơn 11.800 thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý - Hóa học - Sinh học). Mỗi môn thi thành phần có thời gian 50 phút, thời gian nghỉ giữa 2 môn là 10 phút (dành để thu - phát đề). Đây là bài thi tự chọn dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Buổi chiều, có hơn 24.000 thí sinh dự  thi môn Ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật (thời gian làm bài 60 phút). Đối với môn Ngoại ngữ, các thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên không phải dự thi để xét tốt nghiệp mà chỉ thi để xét đại học. Vì vậy, nhiều điểm thi có số lượng thí sinh dự thi rất ít. Đặc biệt, điểm thi Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình, Xuân Lộc chỉ có 2 thí sinh trong khi có đến gần chục cán bộ làm công tác coi thi gồm: trưởng điểm, phó trưởng điểm, thư ký, cán bộ coi thi, thanh tra cắm chốt, lực lượng an ninh, bảo vệ.

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh có 6 thí sinh khuyết tật dự thi. Cả 6 trường hợp này đều là học sinh của Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc (thuộc Trường đại học Đồng Nai). Các thí sinh này được sắp xếp “thi hòa nhập” tại các phòng thi bình thường như những thí sinh khác. 

Trong cả 2 ngày thi, tại một số khu vực có mưa nhưng không làm ảnh hưởng đến việc đi chuyển của thí sinh. Vì giờ thi được bố trí cách xa nên thí sinh có thời gian thoải mái để ăn uống, nghỉ ngơi. Thí sinh chủ động tốt trong việc di chuyển nên không có trường hợp nào đi muộn. 

Nhìn chung, các điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, kỷ luật trường thi được thắt chặt. Số lượng phụ huynh đưa con đi thi và đợi con tại cổng trường không quá đông như những năm trước nên tình hình an ninh, trật tự bên ngoài trường thi cũng ổn định.

Ngoài việc đảm bảo yêu cầu các thí sinh phải tuyệt đối tuân thủ quy chế thi, lực lượng cán bộ làm công tác tại kỳ thi cũng phải thực hiện các quy định khắt khe không kém. Theo đó, trước mỗi buổi thi, điện thoại di động và các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân (nếu có) của tất cả những người làm nhiệm vụ tại điểm thi phải được lưu giữ tại phòng trực của điểm thi.

Trưởng điểm thi quy định cách đánh số báo danh trong phòng thi; tổ chức cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi bốc thăm phân công coi thi, giám sát phòng thi; đảm bảo trong mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi là cán bộ, giảng viên của trường ĐH, CĐ và 1 cán bộ coi thi là giáo viên của trường phổ thông. Mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt. Bên cạnh đó còn có lực lượng thanh tra lưu động đi kiểm tra, giám sát tại tất cả các điểm thi.

Kỳ thi năm nay cũng là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT sử dụng tem niêm phong chuyên dụng, mỏng, dễ rách trong bảo quản túi bài thi. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng tránh tiêu cực trong thi cử.

Đề thi phân hóa tốt

Ngay sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, đề thi đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Theo đó, hầu hết các ý kiến từ giáo viên Ngữ văn phổ thông đến giảng viên đại học, những người quan tâm đến Văn học đều nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay khá hay, đảm bảo tính phân hóa. 

Phần đọc hiểu và câu nghị luận xã hội đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều người. Theo đó, với việc trích dẫn 3 khổ thơ trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy, đề thi đã buộc thí sinh phải suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Câu hỏi nghị luận xã hội ở phần làm văn đã hướng học sinh suy nghĩ đến những vấn đề thực tiễn của đất nước với tư cách là một công dân trưởng thành chứ không chỉ mang tính thời sự nhất thời. Với đề thi này, tỷ lệ học sinh đạt mức 5, 6 điểm sẽ cao. 

Câu hỏi nghị luận văn học là câu phân hóa học sinh tốt. Trong câu hỏi này, học sinh phải liên hệ được hai quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam, nối kết được hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Hai đứa trẻ”. Phần nghị luận văn học là câu hỏi khó đối với học sinh trung bình và yếu nhưng lại là “mảnh đất màu mỡ” cho học sinh giỏi văn thể hiện năng lực của mình. 

Sau buổi thi môn Toán, có ý kiến cho rằng đề thi sai sót ở câu 13 (Mã đề 101) vì đã không nêu rõ điều kiện cho “n”. Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy Toán phổ thông cho biết đề ra như vậy không sai. Vì trong chương trình lớp 11, SGK đã quy ước giới hạn của dãy số không cần viết “n” dần tới dương vô cùng. Trong trường hợp này, học sinh phải tự hiểu là “n” tiến tới dương vô cùng.

Nhận xét về đề thi Toán năm nay, thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Ngô Quyền cho rằng, đề thi có tính phân hóa cao, phù hợp cho kỳ thi “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Cấu trúc đề thi gần với đề minh họa. Thí sinh có thể dễ dàng đạt được 4 đến 5 điểm.

Năm ngoái, đề thi tương đối dễ, phân hóa không cao dẫn đến cơn “mưa điểm 10”, gây khó khăn cho công tác xét tuyển đại học (nhiều thí sinh dù đạt 30 điểm vẫn không đậu đại học vì thua điểm ưu tiên). So với năm ngoái, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao hơn và do đó, với đa số thí sinh, đề thi năm nay rất khó. Đề thi môn Toán năm nay cũng có nhiều câu hỏi lạ, hạn chế việc giải toán bằng máy tính cầm tay. Điều này nhằm hạn chế việc thí sinh lạm dụng máy tính cầm tay mà phải hiểu rõ bản chất của Toán học. Đây là một điều chỉnh hợp lý trong cách ra đề của Bộ GD-ĐT.

Đề thi tổ hợp tự nhiên cũng được đánh giá là phân hóa tốt. Đề thi không có những câu hỏi mang tính đánh đố học sinh. Tuy nhiên, theo nhiều thí sinh, đề thi môn Sinh học quá dài; đề thi môn Hóa học có nhiều câu nặng về tính toán, học sinh học giỏi cũng khó đạt điểm tuyệt đối.

Tương tự năm ngoái, đề thi tiếng Anh năm nay khá dài gồm 5 trang giấy A4, tính phân hóa cao. Em Trần Thị Phương Tuyền, thí sinh tự do tại điểm thi Trường THPT Nam Hà cho biết: Năm nay em đăng ký thi khối D (Toán - Văn - Anh) để xét tuyển đại học. Theo em đề thi năm nay khó hơn năm ngoái nhưng mang tính phân hóa cao, phù hợp để xét tuyển đại học. Sau khi kết thúc 3 môn, em “nhắm” khả năng đậu đại học của mình là khoảng 70%.

Hài lòng với cách thức tổ chức kỳ thi

Anh Trần Lê Thường (phụ huynh đợi con tại điểm thi Trường THPT Trấn Biên) cho biết, phụ huynh đợi con đi thi khá đông nhưng rất trật tự. Quan sát bên ngoài cho thấy kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ. Anh Thường có 2 con gái sinh đôi cùng tham gia kỳ thi này và cho rằng cách tổ chức kỳ thi như vậy là rất tốt. Vì được thi gần nhà nên việc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ đều thuận lợi. Buổi sáng thi về đến nhà mới 10 giờ. Các con anh được nghỉ trưa đến 1 giờ rưỡi mới phải lên trường thi buổi chiều. 

Theo anh Thường, nếu các thí sinh có “than thở” đề thi khó thì cũng là khó chung trên cả nước, mà có như vậy thì mới xứng đáng xét tuyển đại học. Quan trọng là Bộ GD-ĐT phải đảm bảo nghiêm túc, công bằng ở tất cả các điểm thi, thành thị cũng như nông thôn. 

“Trước khi tham gia kỳ thi này, con tôi đã tham gia khảo sát năng lực tại Trường đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Mih. Cả 2 con đều đã có giấy báo đạt điểm. Chỉ cần đợi kết quả đậu tốt nghiệp là có thể nhập học tại trường này. Tuy vậy, tham gia kỳ thi này, các con vẫn đăng ký nguyện vọng vào 3 trường đại học khác nữa. Như vậy, theo tôi, nếu các cháu học tốt thì cơ hội đậu đại học vẫn cao mà không cần phải thi nhiều. Điều này không chỉ giúp các con bớt được áp lực thi cử nhiều lần mà gia đình, xã hội cũng bớt tốn kém”, anh Thường chia sẻ.

Hải Yến

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây