Phát huy nội lực để không ngừng phát triển

Thứ năm - 27/12/2018 22:56
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Ðồng Nai cũng có những dấu ấn riêng biệt. Trong đó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các nguồn nội lực, tiềm năng vốn có đã được các thế hệ người Ðồng Nai phát huy hiệu quả, tạo nên những hướng đi mới, đột phá trong quá trình phát triển.​

Dấu ấn 2018

Năm 2018 sắp khép lại với những dấu ấn trong trong phát triển kinh tế - xã hội của Ðồng Nai. Theo đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP tiếp tục tăng trưởng 8%. Mức tăng trưởng GRDP của Ðồng Nai luôn duy trì mức cao hơn so với bình quân chung cả nước, giai đoạn năm 2006 - 2015 bình quân hằng năm tăng 13,2%. Những năm tiếp theo do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế nhưng tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 8,01% trong 3 năm (2015 - 2018). Ðồng Nai là một trong 13 tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về Trung ương và là một trong 5 tỉnh đứng đầu cả nước về số thu ngân sách.


 Kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Một góc TP. Biên Hòa.

Có thể kể đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế khá ấn tượng trong năm 2018 là tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt trên 162,5 ngàn tỷ đồng, tăng 11,55% so với cùng kỳ. Ðặc biệt, năm 2018 Ðồng Nai xuất siêu 2,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% trong tổng xuất siêu của cả nước.

Với bề dày phát triển công nghiệp từ rất sớm, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo định hướng tái cơ cấu, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 8,91%. Ðồng Nai cũng là một trong các địa phương dẫn đầu về phát triển KCN với 32 KCN đang hoạt động, chiếm 10% KCN cả nước, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 77%. Ðặc biệt, thực hiện phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, môi trường đầu tư của tỉnh đang ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh là 1,8 tỷ USD, đạt 185% kế hoạch năm. Trong năm, có khoảng hơn 3,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng trên 30,4 ngàn tỷ đồng.

Nỗ lực và quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2018, Ðồng Nai trở thành địa phương cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 133/133 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính tiếp tục có sự đột phá từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ...

Xác định cải cách hành chính là giải pháp đột phá để phát triển, Ðồng Nai đã tăng hạng đáng kể và đạt kết quả khả quan trong cả 3 bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong quá trình phát triển, Ðồng Nai luôn quan tâm giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm người nghèo, người yếu thế có điều kiện vươn lên, tạo sự công bằng để phát triển bền vững. Ðời sống người dân trên địa bàn đang ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 98,6 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước đây.  Ðặc biệt, trong dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Ðồng Nai, tỉnh vinh dự được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành việc xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, xóa xong nhà dột nát cho người nghèo. Theo đó, toàn tỉnh đã vận động trên 350 tỷ đồng vào “Quỹ Vì người nghèo”, xây dựng và trao tặng trên 20,4 ngàn căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương hỗ trợ người nghèo có nơi ở ổn định. Ðến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2.502 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% theo tiêu chí của tỉnh...

Có thể nói những kết quả trên đã khẳng định những bước đi đúng hướng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là việc phát huy sức mạnh đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, năm 2019 là năm tăng tốc để thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện đột phá về huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả các công trình hạ tầng xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ đời sống người dân. Tạo bước phát triển mạnh mẽ trong đầu tư các dự án có tác động lan tỏa lớn, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng với đó là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Tạo sức bật cho năm mới

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2018, bước vào năm 2019 với khí thế mới, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết HÐND tỉnh khóa VIII về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2016 - 2020. 


 Các quầy tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, giải pháp được tập trung triển khai trong năm 2019 là chú trọng nâng cao năng suất lao động; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; tập trung tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực; đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp.

Cùng với các giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế, Ðồng Nai chú trọng công tác xây dựng Ðảng, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân. Ðảng bộ tỉnh hiện có gần 79,6 ngàn đảng viên, tăng hơn 40 ngàn so với năm 2008. Trong đó tỷ lệ đảng viên là đoàn viên thanh niên, đảng viên nữ, người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, trí thức ngày càng tăng, góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên theo hướng tích cực. Các cấp ủy Ðảng trực thuộc chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.

Cùng với đó, Ðồng Nai tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chuyển dần từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ theo phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân”, trong đó cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính vì dân được coi là một trong những khâu đột phá để phát triển.

320 năm đi qua và những năm tiếp theo, hào khí vùng đất Biên Hòa- Ðồng Nai đã, đang và sẽ được các thế hệ người Ðồng Nai phát huy, tạo  thành động lực vượt qua những khó khăn, thách thức, chủ động và sáng tạo trong lao động, học tập, công tác nhằm xây dựng quê hương Ðồng Nai giàu mạnh, văn minh.

Năm 2019, Đồng Nai phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 8 - 9% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 102 đến 104 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 - 12%, tổng vốn huy động đầu tư phát triển toàn xã hội từ 90 - 92 ngàn tỷ đồng; có thêm từ 5 - 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,1%; hoàn thành các chỉ tiêu giao quân do cấp trên giao; đảm bảo 100% các KCN đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn...

Nguyệt Hà

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây