Đề án 1816: Nâng cao tay nghề bác sĩ và hiệu quả điều trị

Thứ năm - 27/12/2018 22:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ năm 2008, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816). Tại Đồng Nai, nhiều bệnh viện (BV) đã chủ động liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, một số BV đã có thể chủ động điều trị nhiều ca bệnh khó, giúp bệnh nhân không phải chuyển viện.​

Góp phần nâng cao tay nghề bác sĩ tuyến huyện

Tháng 10-2018, PGS.TS.BS. Dương Văn Hải, BV Bình Dân TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVÐK) khu vực Long Khánh thực hiện 2 ca phẫu thuật trĩ bằng laser. Kỹ thuật này khắc phục những phương pháp chữa trị như: mổ cắt hở, cắt kín, đốt…

Ðể thực hiện được kỹ thuật này, Khoa Ngoại tổng quát của BV đã cử người lên BV Bình Dân học tập, sau đó tiếp tục mời PGS.TS.BS. Dương Văn Hải về “cầm tay chỉ việc” đến khi nào các bác sĩ của BV thực hiện được mới thôi. Ðây chỉ là một trong 6 kỹ thuật mới mà BVÐK khu vực Long Khánh nhận chuyển giao kỹ thuật từ các BV tuyến trên theo Ðề án 1816.

 
Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom mổ u nang buồng trứng dưới sự chuyển giao kỹ thuật của BVĐK Đồng Nai.

“Chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ nâng tầm chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Do đó, BV đã áp dụng nhiều biện pháp để các bác sĩ của BV được học tập nâng cao tay nghề thông qua Ðề án 1816 hoặc hợp tác với các chuyên gia y tế của Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh…”, BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc BVÐK khu vực Long Khánh chia sẻ.

BS. Nguyễn Ðức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho biết, trong năm nay, trung tâm tiến hành triển khai 3 kỹ thuật ngoại khoa theo Ðề án 1816 gồm: mổ bắt con, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng. Các kỹ thuật này, trung tâm nhận chuyển giao kỹ thuật từ BVÐK Ðồng Nai. Trước đó, trung tâm đã cử y, bác sĩ học 6 tháng tại BVÐK Ðồng Nai, sau đó triển khai tại BV dưới sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên. Ðến nay, các bác sĩ của trung tâm đã tự mổ những ca thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng và mổ bắt con. “Trước đây các ca bệnh trên nhập viện, chúng tôi phải chuyển viện nhưng giờ số lượng ca chuyển viện đã giảm rõ rệt. Chúng tôi chỉ chuyển viện những ca khó, vượt ngoài chuyên môn”, BS. Phước tâm sự.

Ngoài các kỹ thuật trên, trong quý I-2019, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom sẽ triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo theo Ðề án 1816. Ðối với kỹ thuật này, trung tâm phối hợp với nhiều BV. Cụ thể, đào tạo nhân lực từ BV Chợ Rẫy, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai. “Mỗi tuần, bệnh nhân phải chạy thận 3 lần. Nhiều người phải thuê nhà trọ gần BV hoặc ngủ tại hành lang BV để chờ chạy thận. Vì vậy, chúng tôi phải triển khai kỹ thuật này nhằm giúp bệnh nhân của huyện không phải đi xa”, BS. Phước cho hay.

Theo đó, ban đầu, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom sẽ đưa vào hoạt động 12 máy. Ngoài nhận chuyển giao từ các BV tuyến trên, Trung tâm cũng tiến hành cập nhật kiến thức, đào tạo chuyên môn về siêu âm, điện tim cho 17 bác sĩ ở các trạm y tế của huyện. Các bác sĩ sẽ được học nâng cao trình độ tại các BV tuyến trên như BVÐK Ðồng Nai, Thống Nhất, Chợ Rẫy… Ðến nay, tất cả bác sĩ của tuyến trạm đã được đào tạo về siêu âm, điện tim để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Giảm tỷ lệ chuyển viện

Cuối tháng 8-2018, các bác sĩ BVÐK Ðồng Nai đã tiến hành mổ nội soi u phổi cho bệnh nhân N.T.U., sinh năm 1952, ngụ tại phường Bửu Hòa. TP. Biên Hòa. Kỹ thuật này đã được BV ứng dụng từ năm 2017. Nhưng để cập nhật những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi cho các bác sĩ ở các BV tuyến dưới, BVÐK Ðồng Nai đã truyền hình trực tiếp ca mổ trên tới các bác sĩ ở các Trung tâm y tế huyện, BV trên địa bàn tỉnh.

TS.BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVÐK Ðồng Nai cho hay, việc tầm soát ung thư phổi không khó nhưng các cơ sở y tế phải có thiết bị chuyên dụng như: chụp CT với liều chiếu xạ thấp sẽ giúp tầm soát phát hiện khối u tốt lại không gây nhiễm xạ cho bệnh nhân. Quan trọng hơn, bác sĩ của các cơ sở y tế tuyến dưới phải biết được những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, chuyển lên các BV tuyến trên để khám và điều trị. “Vì vậy, năm qua chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt đào tạo liên tục nhằm cập nhật kiến thức mới cho các bác sĩ ở BV tuyến dưới”, BS. Dũng cho biết.

Nhiều năm nay, BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã triển khai Ðề án 1816 và BV vệ tinh. BV đã được sự hỗ trợ của các BV tuyến trên như: BV Chợ Rẫy, Từ Dũ, Chấn thương - chỉnh hình… Qua đó, BV tiếp thu được nhiều kỹ thuật khó của BV tuyến trên. Hiện BV đang làm 4 chuyên khoa vệ tinh, trong đó có 3 chuyên khoa là vệ tinh của BV Chợ Rẫy, 1 chuyên Khoa Sản là vệ tinh của BV Từ Dũ.

Trước đây, khi chưa có Ðề án 1816, BV vệ tinh, số ca phải chuyển viện rất nhiều. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phải chuyển lên tuyến trên tại BVÐK Thống Nhất là 38%. Năm 2015, trung tâm tim mạch đi vào hoạt động, tỷ lệ chuyển viện giảm xuống còn hơn 2,7%, đến năm 2017 chỉ phải chuyển 1,5%. Còn kỹ thuật mổ tim hở, BV đã thực hiện được 18 ca. Tuy nhiên ca mổ tim hở vẫn phải có sự hỗ trợ từ bác sĩ của BV Chợ Rẫy…

Giúp phát triển chuyên môn

BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đề án 1816 đã giúp các trung tâm y tế, BV phát triển chuyên môn rất tốt. Các trung tâm y tế, BV sẽ chủ động liên hệ trong vấn đề hợp tác. Sở không bắt buộc các trung tâm y tế chỉ được hợp tác với các BV tuyến tỉnh trên địa bàn. Các đơn vị sẽ tự tìm kỹ thuật cần phát triển để phối hợp với các nơi mà họ mong muốn. Các đơn vị sẽ báo cáo lên Sở Y tế để quản lý và theo dõi.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây