Học sinh khối 12 trong toàn tỉnh đã hoàn tất kỳ thi kiểm tra học kỳ I theo đề chung của Sở GD-ÐT. Kết quả của kỳ thi này và những thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia 2019 là cơ sở để các “sĩ tử” có những điều chỉnh phù hợp trong việc học và ôn thi.
Lo lắng với cách thức xét tốt nghiệp mới
Theo thông báo của Bộ GD-ÐT, năm 2019 sẽ tăng tỷ lệ điểm thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT lên 70%. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ tốt nghiệp THPT nói chung. Ðây cũng là nỗi lo lớn nhất của các học sinh lớp 12 hiện nay và lo lắng này hoàn toàn có cơ sở.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Trấn Biên trong giờ học.
Thực tế, điểm các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia luôn thấp hơn điểm trung bình học tập lớp 12. Do vậy, với rất nhiều sĩ tử, đặc biệt là những học sinh có học lực trung bình trở xuống, điểm trung bình năm lớp 12 là “cứu cánh” trong xét tốt nghiệp. Năm 2019, điểm trung bình lớp 12 chỉ còn chiếm 30% tổng điểm xét tốt nghiệp; tỷ lệ tốt nghiệp chắc chắn sẽ giảm so với các năm trước. Vì vậy, áp lực học tập, thi cử là rất lớn đối với thí sinh của kỳ thi này. Không chỉ những học sinh có học lực yếu, ngay cả những học sinh học khá cũng cảm thấy không yên tâm.
Em Nguyễn Ngọc Ðan Uyên, lớp 12A4, Trường THPT Trấn Biên chia sẻ: “Em đã tìm hiểu thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019 qua mạng internet và biết có một số thay đổi. Trong đó, em quan tâm nhất đến cách thức xét điểm tốt nghiệp theo tỷ lệ 70% điểm thi, 30% điểm trung bình lớp 12. Bản thân em ngay từ đầu đã lựa chọn các môn thuộc khối Khoa học tự nhiên cho bài thi tự chọn. Tuy nhiên, vì xác định sẽ chọn khối A để xét tuyển đại học nên em học lệch môn trong đó môn Sinh là môn em học yếu. Trước những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2019, em đã đầu tư thêm thời gian học môn Sinh để tránh bị điểm quá thấp làm ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp”.
Lê Minh Hiếu, bạn học cùng lớp với Ðan Uyên cũng có lo lắng tương tự: “Vì lựa chọn khối A để xét tuyển đại học nên em đã chủ động học lệch môn ngay từ đầu. Do vậy, ở thời điểm này, môn Sinh chính là lo lắng nhất của em nên em đã bắt đầu tập trung nhiều thời gian hơn cho môn sinh. Ngoài việc học trên lớp, em thường lên trang web hocmai.vn để tự ôn tập môn này”, Hiếu cho hay.
Đề xuất cơ hội học cao đẳng cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT
Bộ LĐ-TBXH vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2017 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong đó, đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng là học sinh đã tốt nghiệp THPT và tương đương trở lên. Trong khi với dự thảo này, Bộ LĐ-TBXH đề xuất mở rộng đối tượng này thành:
1. Học sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp. Người đã tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
2. Học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học đồng thời các môn văn hóa THPT và nội dung đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Điều chỉnh việc học sau khi thi học kỳ I
Theo ghi nhận, tỷ lệ xét tốt nghiệp chính là quan tâm lớn nhất của học sinh lớp 12 hiện nay. Những thông tin khác liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển đại học 2019 chưa được học sinh tìm hiểu kỹ. Em Lê Minh Hiếu cho biết: “Qua Tết em mới tìm hiểu kỹ hơn về kỳ thi cũng như phương thức xét tuyển đại học bởi đó là giai đoạn làm hồ sơ đăng ký dự thi và bước vào cao điểm ôn tập”.
Hầu hết các học sinh cho biết, sau khi thi học kỳ I theo đề thi chung của Sở GD-ÐT, bản thân đã biết được mình có những hạn chế, thiếu sót nào để chủ động bổ sung, điều chỉnh. Em Trần Thanh Toàn, học sinh Trường THPT Trấn Biên cho hay: “Sau khi thi học kỳ I xong dù chưa trả bài thi nhưng em đã tự ước lượng được điểm số của mình. Trong đó em nhận thấy kết quả môn Sinh khá tệ nên hiện nay mỗi ngày em đều dành ra 1 tiếng để học 2 môn Hóa - Sinh. Ngoài ra, em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Em đã tìm hiểu phương thức tuyển sinh của trường từ năm 2015 đến nay thì thấy trường có khá nhiều điều chỉnh. Có năm tỷ lệ tuyển sinh theo điểm thi THPT quốc gia cao hơn; có năm tỷ lệ xét tuyển học bạ cao hơn. Vì vậy, em phải trau dồi thêm các môn còn yếu để vừa có điểm học tập cao, vừa có kết quả thi tốt. Như vậy mới có khả năng cao vào trường này”.
Trước đó, ngày 6-12, Bộ GD-ÐT đã công bố bộ đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ðây là cơ sở quan trọng để các trường, giáo viên lên kế hoạch, định hướng việc ôn thi cho học sinh. Theo đánh giá chung, đề thi minh họa năm 2019 “dễ thở” hơn so với đề thi năm 2018. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ÐT) cho rằng, những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ liên quan đến người lớn chứ không ảnh hưởng đến thí sinh, vì vậy các em yên tâm học tập, ôn thi, không phải lo lắng.
Hơn 400 tổ hợp xét tuyển
Dựa trên 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu, các trường đại học đã thiết kế được trên 400 tổ hợp xét tuyển khác nhau, trong đó có những tổ hợp môn mới và lạ như: Tổ hợp A08 (Toán - Lịch sử - Giáo dục công dân); A09 (Toán - Địa lý - GDCD), A16 (Toán - Khoa học tự nhiên - Ngữ văn), B05 (Toán - Sinh học - Khoa học xã hội), C16 (Ngữ văn - Vật lý - GDCD)...
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT trong năm 2018, dù có nhiều tổ hợp xét tuyển mới được các trường bổ sung nhưng thí sinh vẫn có xu hướng đăng ký dự thi bằng tổ hợp truyền thống. Trong đó, có gần 90% thí sinh sử dụng 5 tổ hợp cũ gồm A00 (Toán - Lý - Hóa); A01 (Toán - Lý - tiếng Anh); D01 (Toán - Ngữ văn - tiếng Anh); C00 (Văn - Sử - Địa); B00 (Toán - Hóa -Sinh). Trong khi đó, có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.
H. Yến
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập