Dù có nhiều lợi thế nhưng lâu nay giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Đồng Nai đang xây dựng quy hoạch để sớm “đánh thức” tiềm năng này nhằm nâng cao năng lực vận chuyển của ngành giao thông thủy nội địa, đáp ứng phát triển công nghiệp, khai khoáng và du lịch.
Vận tải đường thủy lép vế
Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300km. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển giao thông thủy nhưng hiện tiềm năng này đang “ngủ quên”.
Theo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tuyến vận tải thủy nội địa liên tỉnh và 9 tuyến nội tỉnh với tổng chiều dài khoảng 1.200km; 7 cảng sông, 80 bến hàng hóa, 33 bến hành khách. Những năm qua, vận tải giao thông đường thủy có nhiều phát triển cả về vận tải hàng hóa lẫn hành khách, đặc biệt là vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao. Năm 2010, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chỉ ở mức hơn 960.000 tấn thì năm 2017 đã đạt mức hơn 1,4 triệu tấn. Tính ra, tốc độ tăng trưởng 7 năm qua tăng trung bình khoảng 5,6%/năm, riêng năm 2017, đạt đến 7,5%. Về vận tải hành khách, tốc độ tăng trưởng có thấp hơn. Năm 2011, sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy ở mức 2.600 người thì năm 2017 đạt mức hơn 3.000 người.
Vận tải hành khách bằng đường thủy hiện đạt mức tăng trưởng khá thấp.
Dù đã có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững, đơn vị đang tiến hành lập quy hoạch giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, sản lượng vận tải hàng hóa cũng như hành khách bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn khi so sánh với đường bộ. Cụ thể, năm 2017, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh đạt mức 1,4 triệu tấn thì lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ đã lên đến hơn 49 triệu tấn. “Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy chỉ chiếm gần 2,8% tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Một mức rất thấp”, đại diện đơn vị tư vấn cho hay.
Tương tự, nếu như tốc độ gia tăng trong hoạt động vận tải hành khách trên tất cả các loại hình trong khoảng 5 năm qua là 8,4%/năm thì vận chuyển khách bằng đường thủy chỉ tăng 2,3%/năm.
Trong bối cảnh giao thông đường bộ đang quá tải, chi phí vận chuyển cao thì việc “lép vế” của giao thông đường thủy được đánh giá là đang gây ra lãng phí và làm tăng giá thành hàng hóa.
Khơi thông tiềm năng
Theo Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững, Đồng Nai không chỉ có lợi thế về hệ thống sông, kênh rạch khá lớn mà có nhiều ưu thế ở sản lượng hàng hóa cần vận chuyển. Đồng Nai hiện là 1 trong 5 tỉnh thành có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước, cùng với đó, tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm 56,9% trong cơ cấu kinh tế. Điều này mang lại nhiều tiềm năng phát triển cho giao thông đường thủy, nhất là khâu vận tải hàng hóa, bởi nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, sản phẩm phục vụ sản xuất rất lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú, đây cũng là nguồn hàng rất lớn cần vận chuyển.
Ngoài ra, hiện tỉnh cũng đang chú trọng phát triển ngành du lịch, trong đó có du lịch xanh, du lịch sinh thái. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với ngành vận tải hành khách bằng đường thủy.
Theo Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững, Đồng Nai có những vùng hấp dẫn trong hoạt động vận tải đường thủy như TP. Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu. “TP. Biên Hòa hiện tập trung 10 khu và cụm công nghiệp là những khu vực có nhu cầu vận tải bằng đường thủy lớn do chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ. Ngoài ra, các khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất và Xuân Lộc cũng mở ra cơ hội rất lớn cho vận tải đường thủy phát triển”, đại diện đơn vị tư vấn phân tích.
Từ đánh giá trên, Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững cho rằng, trong những năm tới, nhu cầu vận tải bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh sẽ rất lớn cả về vận tải hàng hóa cũng như hành khách. Cụ thể, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường thủy từ năm 2020 - 2035 sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm và sẽ chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Năm 2020, sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có thể đạt mức 26 triệu tấn, năm 2025 tăng lên 28 triệu tấn và năm 2030 sẽ đạt mức gần 31 triệu tấn.
Tuy nhiên, để có thể khai thác được tiềm năng của ngành vận tải đường thủy, đơn vị tư vấn cũng cho rằng Đồng Nai cần rà soát, xây dựng bổ sung thêm các cảng, bến thủy nội địa và các tuyến vận tải phù hợp với nhu cầu phát triển.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Đồng Nai cần rà soát, tiếp tục cấp phép hoạt động các bến đáp ứng điều kiện theo quy định và ngưng cấp phép tiếp tục hoạt động đối với các bến không đủ điều kiện và không phù hợp quy hoạch. Đồng thời hình thành các cụm bến đảm bảo năng lực bốc xếp vận chuyển hàng hóa, xóa bỏ các bến quy mô nhỏ tồn tại độc lập. Đến năm 2025 cần bổ sung thêm các cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và dừng khai thác tất cả các bến không phép, các bến có trang thiết bị kỹ thuật không đảm bảo an toàn. Đến năm 2035, tất cả bến trong khu vực các phường trung tâm có trang thiết bị lạc hậu, bến hoạt động gây ô nhiễm môi trường sẽ dừng khai thác và xóa bỏ, di dời các bến nhỏ lẻ ra khỏi các phường trung tâm.
Xây dựng 11 bến du thuyền
Theo phương án Quy hoạch giao thông vận tải đường thủy nội địa do Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững đề xuất, trong giai đoạn 2025 - 2030, Đồng Nai sẽ xây dựng 4 tuyến vận tải hàng hóa chính, 2 tuyến vận tải loại II và 4 tuyến vận tải loại III. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng 8 tuyến vận tải hành khách và 5 tuyến vận tải du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cũng theo quy hoạch, trong giai đoạn này Đồng Nai sẽ xây dựng 11 bến du thuyền trên địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch.
Quỳnh Nhi
Tác giả: Phạm Văn Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập