“Nhặt sạn” để nâng chất cuộc thi Khoa học kỹ thuật

Thứ tư - 05/05/2021 14:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học là 1 sân chơi bổ ích, là cơ hội để học sinh khám phá, phát triển năng lực của bản thân. Vì vậy, làm thế nào để cuộc thi KHKT ngày càng chất lượng, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra là điều rất cần thiết.
 
ff3bbc489f2f6a71333e.jpg
Học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đang giới thiệu về sản phẩm cho các thành viên Ban giám khảo
* Vẫn còn giáo viên chưa nắm được quy trình nghiên cứu khoa học
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh tại Việt Nam được tổ chức theo mô hình của cuộc thi KHKT quốc tế (Intel ISEF). Mỗi năm, có khoảng 1.500 học sinh từ lớp 8-12 từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia cuộc thi này.
Để chọn được học sinh đi thi quốc tế, cuộc thi KHKT trong nước buộc phải tuân thủ các quy định cơ bản của Intel ISEF. Hằng năm, Bộ GD-ĐT đều có cập nhật mới, cải tiến để bám sát với quốc tế và tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán phụ trách cuộc thi KHKT của các sở GD-ĐT. Sau đó, Sở GD-ĐT tập huấn lại cho cán bộ, giáo viên cốt cán của các phòng GD-ĐT, các trường THCS, các trường THPT trên toàn tỉnh. Các tiêu chí chấm điểm của một dự án thi KHKT cũng rất cụ thể, rõ ràng.
Tại Đồng Nai, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học đã tổ chức được 9 năm. Qua mỗi năm, cuộc thi ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, thực sự trở thành sân chơi bổ ích của học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số giáo viên vẫn chưa nắm bắt được các quy trình nghiên cứu khoa học dẫn đến việc hướng dẫn học sinh chưa đúng cách. Hệ quả là học sinh làm ngược quy trình nghiên cứu khoa học, tức là các em chú tâm vào việc “gia công” sản phẩm rồi từ sản phẩm mới quay trở lại với vấn đề khoa học của đề tài.
Ở cấp cơ sở, nhiều lãnh đạo trường THCS, THPT chưa thực sự quan tâm đến giáo dục STEM nói chung và cuộc thi KHKT nói riêng. Khi lãnh đạo “thờ ơ” thì khó có thể xây dựng được đội ngũ giáo viên tâm huyết với cuộc thi, học sinh cũng sẽ không được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia sân chơi này.
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Cần tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức các sân chơi cho học sinh như Cuộc thi KHKT, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng nhằm khơi gợi lòng đam mê khoa học, tìm tòi sáng tạo trong học sinh. Đây là một trong những biện pháp để thúc đẩy giáo dục STEM trong trường phổ thông”.
* Ban giám khảo làm việc chặt chẽ hơn
Trong những năm gần đây, khi sản phẩm đem đến cuộc thi ngày càng trở nên chuyên nghiệp, có hàm lượng khoa học cao thì nhiều câu hỏi về vấn đề bản quyền, sự tham gia thực chất của học sinh trong các dự án… bắt đầu được đặt ra. Đặc biệt, sau cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm nay, những lùm xùm về cuộc thi càng được nhắc đến nhiều hơn. Thậm chí, một số giáo viên, nhà khoa học còn đề xuất nên bỏ cuộc thi.
Ở chiều ngược lại, cũng có rất nhiều giáo viên, nhà khoa học ủng hộ cuộc thi. Bởi họ cho rằng cuộc thi là sân chơi bổ ích dành cho học sinh, nếu có xảy ra tiêu cực thì lỗi thuộc về người lớn chứ không phải do các em học sinh. Vì vậy, nếu cuộc thi “có sạn” thì người lớn nên “nhặt sạn” để trả cuộc thi về đúng bản chất của nó chứ không để con sâu làm rầu nồi canh”.
Tại Đồng Nai, để tổ chức tốt cuộc thi, Sở GD-ĐT đã chú trọng công tác tập huấn cho giáo viên tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Sở GD-ĐT cũng mời các nhà khoa học, các giảng viên đại học có uy tín tham gia ban giám khảo. Ngoài việc thuyết trình giới thiệu về dự án của mình, các thí sinh sẽ phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà giám khảo đưa ra. Với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, chỉ những học sinh “thực học, thực hành” mới có thể thuyết phục được Ban giám khảo.
Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) khẳng định: “Thông qua hoạt động hỏi đáp trực tiếp, các thành viên của Ban giám khảo sẽ biết được các em có phải là tác giả thực sự của đề tài hay không, các em làm bao nhiêu phần trăm trong sản phẩm đó. Từ đó, họ sẽ đánh giá kết quả thực chất của học sinh đã đạt được trong dự án là bao nhiêu để làm cơ sở đánh giá xếp loại. Chúng tôi không chỉ đánh giá sản phẩm mà còn rất chú trọng đến việc đánh giá quá trình thực hiện dự án của học sinh”.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây