Để nâng cao chất lượng cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, đồng thời thúc đẩy hoạt động giáo dục STEM trong trường phổ thông cần phải bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, giáo viên: Ban giám hiệu quan tâm chỉ đạo, giáo viên nắm chắc quy trình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học… Cùng với đó, việc loại bỏ bệnh thành tích trong cuộc thi này là điều rất cần thiết.
Chị Phạm Lê Song Ngân từng 2 lần tham gia cuộc thi KHKT
dành cho học sinh trung học
Khai mở tư duy khoa học
Chị Phạm Lê Song Ngân (Công ty Marvell Semiconductor Việt Nam - TP.HCM) là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa). Chị đã từng tham gia cuộc thi KHKT 2 lần. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Ngân cho rằng mình may mắn vì đã nắm bắt được cơ hội tham gia sân chơi này.
Theo chị, thành tích tại cuộc thi không đánh giá hoàn toàn khả năng nghiên cứu của học sinh tham gia. Điều mà học sinh nhận được nhiều nhất ở cuộc thi chính là thái độ của người làm nghiên cứu và tinh thần tự học, kỹ năng và giải quyết vấn đề. Đặc biệt nhất là ý nghĩ: không rập khuôn trong tư duy mà phải phân tích đa chiều với từng câu hỏi để chọn con đường đi hợp lý nhất.
Tiếp tục đà khi học phổ thông, lên đại học, chị Ngân vẫn tham gia các cuộc thi sáng kiến KHKT (như cuộc thi Ứng dụng IOT trong nông nghiệp do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức). “Tôi nhận ra rằng, khoảng thời gian để thực hiện được trọn vẹn một đề tài thật sự rất lâu và gian khổ, đòi hỏi người làm nghiên cứu phải rất chăm chỉ và đam mê với công việc này. Đặc biệt, hiện nay, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đang rất được chú ý nên mọi dẫn chứng, nghiên cứu cho đề tài đều phải được xem xét, chú thích và lý giải chi tiết”, chị Ngân chia sẻ.
Là người có nhiều năm hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi KHKT, thầy Nguyễn Văn Cư, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho biết sau mỗi lần thi học sinh đều có sự tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, việc phát triển cuộc thi để học sinh có sân chơi khoa học lành mạnh là điều cần thiết.
Thầy Cư kể: “Tôi vô cùng ấn tượng với học trò cũ tên là Trịnh Ngọc Tâm Anh. Em làm đề tài về khả năng tranh biện của học sinh (đề tài thuộc lĩnh vực khoa học hành vi). Sau cuộc thi, em đã thành lập CLB tranh biện liên trường nhằm tạo sân chơi cho các bạn học sinh để nâng cao khả năng tranh biện. Từ CLB này, em đứng ra tổ chức giải tranh biện miền Nam mở rộng (năm 2019). Em đã đào tạo được “leader” (lãnh đạo) mới cho CLB trước khi tốt nghiệp. Vì vậy, hiện nay, CLB tranh biện do em thành lập vẫn đang hoạt động rất tốt”.
Hướng đến giá trị thật của quá trình nghiên cứu khoa học
Thầy Nguyễn Văn Cư, nguồn gốc của một số tiêu cực trong cuộc thi KHKT (được nêu trên báo chí trong thời gian qua) chính là “căn bệnh” thành tích. “Để loại bỏ được những tiêu cực đó, thì phải xuất phát từ một từ: thật. Mục tiêu của cuộc thi KHKT là để đào tạo con người chứ không phải là tạo ra sản phẩm. Việc tham gia cuộc thi phải giúp cho các em học hỏi được để phát triển bản thân một cách thực chất. Muốn học trò học thật, phát triển thật thì trước tiên người thầy phải làm thật”, thầy Cư thẳng thắn cho biết.
Cũng theo thầy Cư, muốn nâng chất cuộc thi KHKT thì trước tiên giáo viên phải hiểu và làm đúng quy trình nghiên cứu khoa học và phải gạt bỏ tư duy thành tích. Chỉ khi loại bỏ được bệnh thành tích, học thật, làm thật thì bản thân thầy cô và học sinh mới có được động lực nội thân để phấn đấu. Khi đó, dù không đạt giải, không được tuyển thẳng đại học… thì học sinh vẫn sẽ hăng hái tham gia sân chơi này.
Bà Lưu Thị Ngọc Quế, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom cho rằng, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng là 2 sân chơi khoa học rất bổ ích dành cho học sinh, giúp các em phát huy năng lực tự học, sáng tạo. Vì vậy, hằng năm, Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom đều khuyến khích các trường tham gia các cuộc thi này nhưng không đưa vào tiêu chí thi đua.
“Để cuộc thi được lan tỏa, đồng thời, thúc đẩy hoạt động giáo dục STEM phát triển, chúng tôi chú ý phát hiện và giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay để các trường, các thầy cô cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm”, bà Quế cho hay.
Năm nay, H.Trảng Bom có nhiều học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi KHKT và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Do đó, UBND huyện Trảng Bom đã tổ chức lễ báo công và khen thưởng để động viên, khích lệ tinh thần giáo viên, học sinh.
“Với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo huyện như vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, hoạt động giáo dục STEM nói chung và cuộc thi KHKT nói riêng trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục lan tỏa, phát triển hơn nữa. Chúng tôi mong rằng lãnh đạo các trường sẽ quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này. Trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu UBND huyện để có chỉ đạo sát sao nhằm phát triển giáo dục STEM hơn nữa”, bà Quế chia sẻ thêm.
Hoàng Giang