Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa.
Đề án đề ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 như: giữ thị phần hàng hóa Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% đối với các kênh truyền thống như: chợ, cửa hàng tạp hóa...; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”…
Đề án cũng đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện gồm: thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn tổ chức vào đầu tháng 4-2021 với chủ đề Khởi nghiệp doanh nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, trong bối cạnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển hướng phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa với nhiều tiềm năng và lợi thế trong bối cảnh “bình thường mới”. Khi người tiêu dùng ngày càng đón nhận hàng hóa trong nước sẽ thúc đẩy chủ động đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã… để nâng cao sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng cường khai thác thị trường trong nước để có đầu vào, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa ổn định hơn, mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước; triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo kế hoạch chung của cả giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm...
Phan Anh