Đinh Tuấn Anh (sinh viên năm 3 ngành Tự động hóa Khoa Cơ điện - điện tử Trường Đại học Lạc Hồng) có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) từ những năm học phổ thông. Những kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được từ sân chơi này đã giúp Tuấn Anh gặt hái thành công trên giảng đường đại học. Anh là trưởng nhóm dự án Xe lăn điện - sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS).
Sinh viên Đinh Tuấn Anh trong giờ thực hành kỹ thuật lập trình PLC
* Trưởng thành từ cuộc thi KHKT
Đinh Tuấn Anh quê ở H.Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Là người có đam mê khám phá, lĩnh vực KHKT nên bắt đấu từ năm học lớp 10, Anh Tuấn đã tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học và đoạt được giải khuyến khích cấp tỉnh. Tiếp đó, năm lớp 11 và 12, Tuấn Anh tiếp tục tham gia sân chơi này và tiếp tục đoạt được giải ba, giải nhì cấp tỉnh. Với thành tích ấn tượng đó, năm học 2018-2019, Tuấn Anh đã được Trường Đại học Lạc Hồng cấp học bổng toàn phần.
Tuấn Anh cho biết, việc tham gia cuộc thi KHKT đã hỗ trợ rất nhiều cho anh trong hành trình khám phá bản thân. Hơn nữa, bằng việc tham gia cuộc thi, anh cũng được nhà trường hỗ trợ thêm 1 phần chi phí để thỏa mãn đam mê của mình.
“Định hướng ban đầu của tôi là sẽ học ngành Điện tự động hoặc công nghệ thông tin vì 2 ngành nghề này phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, cơ hội việc làm cao. Là con một trong gia đình nên cha mẹ mong muốn tôi học ở TP.Vinh cho gần nhà chứ không muốn tôi đi xa. Vì vậy, khi nhận được học bổng của Trường Đại học Lạc Hồng, ban đầu tôi cũng hơi phân vân” - Tuấn Anh chia sẻ.
Hiểu được đam mê của con trai, cha mẹ của Tuấn Anh đã quyết định ủng hộ con. Chính cha là người đưa Tuấn Anh đến trường làm thủ tục nhập học. Từ một cậu học trò vốn quen với sự bảo bọc của cha mẹ, Tuấn Anh đã bắt đầu cuộc sống tự lập ngay sau khi bước chân vào giảng đường đại học.
Với những kiến thức, kỹ năng từ sân chơi KHKT thời phổ thông, việc học của anh Tuấn Anh trở nên nhẹ nhàng hơn so với bạn bè và còn có thời gian để tham gia nghiên cứu các đề tài KHKT, đi làm thêm... Đồng thời, Tuấn Anh vẫn duy trì được học lực giỏi, tiếp tục được nhận học bổng của nhà trường.
Với thành tích học tập xuất sắc và có nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi KHKT ở bậc đại học, anh Tuấn Anh được miễn thực hiện đồ án tốt nghiệp, đồng thời rút ngắn được 1 năm học so với bạn bè.
* Làm thêm để tự trang trải cuộc sống
Không chỉ học giỏi, đam mê nghiên cứu sáng tạo, anh Tuấn Anh còn là người có tinh thần tự lập cao. Ngày thứ 2 sau khi đặt chân đến mảnh đất Biên Hòa, Tuấn Anh đã bắt đầu ngày làm thêm đầu tiên của mình với công việc phục vụ nhà hàng và kiếm được 120 ngàn đồng.
Từ đó, vào dịp cuối tuần, Tuấn Anh đều tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, rồi tìm được việc làm ổn định ở quán trà sữa. Từ cuối học kỳ 1, Tuấn Anh không nhận tiền trợ cấp của cha mẹ nữa mà tự đi làm thêm để trang trải cuộc sống.
“Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là bị mất xe máy. Lần đó, tôi đi gửi tiền về quê để nhờ bạn mua bánh kem tặng sinh nhật mẹ. Đến khi trở ra thì mất chiếc xe. Tôi đã không cho cha mẹ biết mà đi làm thêm nhiều hơn, 3 tháng sau, tôi mua lại 1 chiếc xe máy cũ khác. Khi đó cha mẹ mới biết” - anh Tuấn Anh nhớ lại.
Sau một thời gian làm nhân viên phục vụ nhà hàng, phụ quán trà sữa, Tuấn Anh xin được công việc bảo trì điện và làm bảng hiệu quảng cáo. Thu nhập từ việc làm thêm cũng khá hơn. Ngoài trang trải tiền ăn ở, anh dùng tiền làm thêm để mua một số máy móc, thiết bị điện phục vụ việc nghiên cứu KHKT cho các sinh viên trong nhóm nghiên cứu dùng chung. Không những vậy, khi về quê đón Tết, anh Tuấn Anh còn phụ cha mẹ sắm sửa Tết và dùng đồng tiền do mình làm ra để mừng tuổi ông bà.
Hiện nay, dù bận rộn với việc học, tham gia nghiên cứu KHKT, làm thêm, anh Tuấn Anh vẫn dành thời gian để học thêm tiếng Nhật. Định hướng của Tuấn Anh là tìm kiếm cơ hội việc làm ở Nhật Bản để vừa có thu nhập cao vừa tích lũy được kinh nghiệm sau đó trở về quê hương tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Hoàng Giang