Đồng Nai làm mã số vùng trồng xuất khẩu

Thứ hai - 06/03/2023 08:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở NN-PTNT), thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng Nai đang đẩy mạnh việc nhân rộng diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc trái cây tươi nhằm đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.

Vùng trồng sầu riêng Xuân Định, H.Xuân Lộc được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc
Vùng trồng sầu riêng Xuân Định, H.Xuân Lộc được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc

Mục tiêu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cho các cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh như: xoài, mít, chuối, sầu riêng...

Tăng nhanh diện tích cấp mã vùng trồng

Toàn tỉnh hiện có hơn 76,6 ngàn ha cây ăn trái lâu năm, trong đó có nhiều loại cây ăn trái đang có thế mạnh xuất khẩu. Trước đây, các nước như: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với nông sản nhập khẩu. Từ năm 2023, thị trường lớn Trung Quốc đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói đều phải được cấp mã số mới đủ chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 24 ngàn ha. Trong đó tập trung cho các cây trồng chủ lực của tỉnh như: xoài, thanh long, chuối, mít, sầu riêng…

Để đạt mục tiêu đặt ra trong việc nhân rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ thị trường xuất khẩu, Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 6.448 ha. Trong đó, tiếp tục xây dựng thêm 22 mã số vùng trồng cho cây bưởi với diện tích gần 1,7 ngàn ha; 21 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 1,5 ngàn han; 7 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 1,5 ngàn ha, 4 mã số vùng trồng thanh long với diện tích 460ha.

Đặc biệt Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 20 chuỗi liên kết tiêu thụ các loại nông sản xuất khẩu, trong đó có 100% diện tích cây trồng của các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng

Sau hơn 4 năm đàm phán, từ tháng 9 năm 2022, Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, năm 2023 được cho là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trái sầu riêng theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ khi tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây tươi của thị trường này ngày càng gắt gao hơn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trong và ngoài tỉnh rất quan tâm hợp tác với nông dân, hợp tác xã nhân rộng diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong năm 2023. Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP.Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 ngàn tấn sầu riêng/năm. Doanh nghiệp đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác. Doanh nghiệp rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.

Với hơn 9,1 ngàn ha, Đồng Nai là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn của cả nước với sản lượng hơn 50 ngàn tấn/năm. Ngoài diện tích sầu riêng lớn, Đồng Nai chủ yếu trồng các giống sầu riêng được thị trường xuất khẩu ưa chuộng như: giống Ri 6 chiếm 45% diện tích, giống Dona chiếm 50% diện tích. Sầu riêng trồng trên địa bàn tỉnh cũng đạt cả về năng suất và chất lượng với mức bình quân khoảng 12 tấn/ha; đặc biệt có vùng đạt đến 25 tấn/ha như: H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh.

Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật - Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh), để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2021 Sở NN-PTNT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Kết quả trong đợt đánh giá đầu tiên, Đồng Nai có 7 vùng trồng sầu riêng tham gia đánh giá và đều đạt chuẩn và được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích được cấp mã số đạt 533ha. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân nhân rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây