Doanh nghiệp bớt lo khi cước vận tải biển giảm

Thứ hai - 06/03/2023 09:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Sau quãng thời gian dài tăng phi mã vì thiếu hụt container và sự đứt gãy do dịch bệnh, biến động chính trị thế giới, cước vận tải hàng hóa bằng đường biển hiện đã giảm mạnh 70 đến 80% so với thời kỳ cao điểm.

Cước phí vận tải biển giảm sẽ giúp DN xuất nhập khẩu dễ thở hơn
Cước phí vận tải biển giảm sẽ giúp DN xuất nhập khẩu dễ thở hơn

Là một quốc gia xuất-nhập khẩu chủ đạo trong nền kinh tế, việc cước vận tải biển giảm cũng đã tạo thuận lợi hơn cho nhiều doanh nghiệp (DN) để tối ưu hóa chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá cước giảm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu

Theo Công ty chứng khoán VnDirect (Hà Nội), vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải biển. Trên thị trường quốc tế, sau một thời gian tăng trưởng chóng mặt, giá cước vận tải đường biển bất ngờ sụt giảm, trong đó chỉ số container toàn cầu – đại diện cho giá cước vận tải container đã lao dốc 67% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 9/2021. Không những vậy, chỉ số BDI (đại diện cho giá vận chuyển nguyên liệu thô) đã giảm 71% từ mức đỉnh.

Xu hướng giảm giá cước này lại là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam vốn được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Các DN đã từng chịu đựng tình cảnh giá cước vận tải biển lên cao đã “ăn hết lời”, giảm sức cạnh tranh thì nay có thể dễ thở hơn.Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần S furniture (Bình Dương) thì DN của ông chuyên về lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường trọng điểm là khu vực châu Âu và Hoa Kỳ. Giá cước vận tải biển đi thế giới giảm sâu giúp các DN có thể tiết giảm được một chi phí lớn. “Trước đây, tùy từng khu vực, mỗi container hàng hóa xuất đi phải chịu cước phí thậm chí lên đến hàng chục ngàn USD nhưng nay đã giảm rất mạnh. Từ đỉnh điểm 20 ngàn USD đi Bắc Mỹ thì nay có lúc giảm đến 80%, điều này giúp cho DN mạnh dạn hơn trong việc gia tăng sản xuất bên cạnh khắc phục khó khăn về thị trường tiêu thụ” – ông Vạn khẳng định.

Tương tự, Đồng Nai là địa phương có nhiều DN làm hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng thô, mặt hàng nông sản. Đại diện một DN xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cho hay cùng với việc Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế phòng chống dịch Covid-19 và các hiệp định thương mại tự do phát huy tác dụng, cơ hội xuất khẩu hàng nông sản thời gian tới là rất lớn. Do đặc điểm mặt hàng nông sản thường xuất thô, chiếm diện tích lớn trong khi giá trị mỗi container hàng không cao nên phí vận tải biển đi quốc tế giảm sẽ giúp ích rất nhiều cho DN.

Cần cải thiện dịch vụ logistics trong nước

Cước vận tải biển đi quốc tế giảm nhưng theo các DN, một trong những hạn chế hiện nay là cước phí vận tải nội địa vẫn còn cao do dịch vụ Logistics của Việt Nam đang phát triển chưa tương xứng. Là DN chuyên cung ứng nguyên liệu cho ngành sản xuất bao bì và in ấn, công ty TNHH giấy Minh Cường Phát (KCN) Amata thường xuyên phải vận chuyển hàng Bắc-Nam, tuy nhiên thời gian vừa qua, nhất là trước những khó khăn từ dịch bệnh, đứt gãy nguồn cung, chi phí vận chuyển của DN đã tăng vợt. Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc công ty cho hay để cạnh tranh được thì việc giảm chi phí vận tải là rất quan trọng. Điều này cần sự đồng hành từ Nhà nước, nhất là phát triển đồng bộ các hạ tầng dịch vụ liên quan.

Theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), bên cạnh đường bộ thì đường thủy có nhiều tiềm năng trong vận tải hàng hóa song vẫn chưa phát huy hết vai trò. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi đầu tư cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, nhất là ưu đãi về thuế, miễn phí cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi. “Chi phí vận tải đường thủy thấp hơn 50 - 60% so với các phương thức vận tải khác. Số lượng vận tải cũng được nhiều hơn, giảm áp lực cho đường bộ, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường”, ông Long khẳng định.

Tương tự, Phó C​hủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ vấn đề mà các DN gặp phải là sự thiếu đồng bộ trong phát triển dịch vụ logistics của vùng. Cùng với đó, các yếu tố khác tạo nên sự kìm hãm khiến các DN trong ngành khó bứt phá phát triển. Do vậy cần đặt ra bài toán và giải pháp tổng thể, có cơ chế, động lực và có “nhạc trưởng” để thúc đẩy phát triển hạ tầng nói chung và các yếu tố liên quan đến dịch vụ logistics nói riêng.

Tác giả: Phan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây