Chế biến gỗ tìm kiếm thị trường trong khó khăn

Thứ hai - 06/03/2023 08:19
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, ngành sản xuất gỗ hiện tại đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn. Các dự báo cho thấy vào giữa năm nay, cùng với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu thì sản xuất gỗ sẽ từng bước được ổn định trở lại.

Sản xuất tại một DN chế biến gỗ ở Biên Hòa
Sản xuất tại một DN chế biến gỗ ở Biên Hòa

Trong bối cảnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chậm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực làm mới mình, tìm kiếm thêm thị trường mới cũng như mở rộng hơn ở phân khúc nội địa.

Bắt đầu có triển vọng tích cực

Theo các DN ngành gỗ, so với thời điểm cuối năm 2022 thì hiện nay, đơn hàng cho ngành gỗ xuất khẩu đã bắt đầu có những khởi sắc nhất định. Điều này bởi năm ngoái, nguồn hàng đồ gỗ tồn kho nhiều nên các nhà nhập khẩu lớn gần như không nhập hàng để tập trung tìm giải pháp bán hàng ra. Hiện tại, nguồn hàng tồn trước đó cơ bản đã được bán ra gần hết nên các nhà nhập khẩu cũng đang khởi động việc nhập hàng trở lại.

Bên cạnh đó, phí vận chuyển trên thế giới đang giảm rất mạnh cũng là động lực thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ tốt hơn. Trước đây, một container gỗ (loại 40 feet) vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ có mức phí rất cao từ 20 đến 22 ngàn USD thì nay giảm còn 1,6 đến 1,7 ngàn USD. Việc giảm cước vận tải biển quốc tế giúp cho DN mạnh dạn hơn trong tìm kiếm thị trường thay vì co hẹp lại để bảo toàn nguồn vốn.

Ngoài ra, khi đứng trước khó khăn ở những thị trường trọng điểm như Âu-Mỹ, các DN ngành gỗ nỗ lực tìm đơn hàng từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á và tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường trong nước. Một số DN cũng đã gia tăng xuất khẩu mặt hàng viên nén gỗ để làm chất đốt trong bối cảnh thế giới thiếu nguồn cung năng lượng do xung đột, chiến sự.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định trong quý 1/2023 thị trường gỗ vẫn còn chịu sức ép. Sang quý 2, dự kiến các đơn hàng cơ bản được khôi phục khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới. Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Phải làm mới chiến lược sản xuất

Theo các DN làm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không phải không có cơ hội để phát triển. Điều quan trọng là các DN phải nỗ lực để xoay chuyển tình thế, thay vì làm các mặt hàng truyền thống, giá trị thấp thì cần tính đến mặt hàng phân khúc cao cấp hơn. Dù đơn hàng bán ra có thể không được như trước song giá trị mang lại sẽ cao hơn.

Chăm chút cho sản phẩm, hướng tới phân khúc chất lượng cũng là giải pháp mà bà Nguyễn Thị Vịnh, chủ thương hiệu đồ gỗ Xuân Bắc (TP. Biên Hòa) đang thực hiện. Thương hiệu này vừa khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm lớn mặt tiền Xa lộ Hà Nội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm gỗ nội thất cho khách hàng. Tập trung vào thị trường nội địa, nhất là những người có thu nhập cao với các đơn hàng giá trị lớn, năm nay, mục tiêu của đồ gỗ Xuân Bắc là cung cấp sản phẩm cho 3 ngàn khách hàng với mặt hàng chủ yếu là bàn ghế nội thất.

Bên cạnh nâng cao chất lượng thì DN cũng tái cấu trúc lại mô hình của mình. Hiện nay, việc xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ yêu cầu rất cao về nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những khách hàng lớn, nước phát triển. Việc nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu gỗ để cung ứng cho các nhà sản xuất là hướng đi và cũng là cơ hội tái cấu trúc trong tình hình khó khăn.

Tác giả: Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây