Chú trọng thực thi quyền lợi cho lao động nữ trong doanh nghiệp

Thứ ba - 01/01/2019 18:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cuối tuần qua, đoàn công tác gồm các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam do Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Đồng Nai về việc thực thi quyền lợi cho lao động nữ, bình đẳng giới trong doanh nghiệp và vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.​

Đoàn đã làm việc với LĐLĐ tỉnh, Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa và Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (KCN Amata). 

Đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ

Trao đổi với đoàn công tác, ông Hoàng Ngọc Tràng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Asia Garment Manufacture Việt Nam (Công ty Asia) cho biết, Asia là doanh nghiệp gia công hàng may mặc trực thuộc Tập đoàn Esquel - Singapore, hiện có khoảng 2.300 công nhân. Do lao động nữ chiếm tỷ lệ cao (85%), lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đều là nữ nên vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ được quan tâm, thực hiện tốt và bình đẳng trong mọi vấn đề.

Với đặc thù nghề may, người lao động (NLĐ) phải ngồi làm việc trong nhiều giờ, dễ mắc các bệnh nghề nghiệp, xương khớp, Công đoàn đã kiến nghị và được lãnh đạo doanh nghiệp chấp thuận cho NLĐ nghỉ tập thể dục theo nhạc tại chỗ mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5 phút. Ngoài ra, CĐCS cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao thể chất và tinh thần cho NLĐ.


 Các đại biểu Quốc hội thăm hỏi công nhân làm việc tại Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam.

Công đoàn và bộ phận Nhân sự cũng tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, lao động nữ mang thai như: NLĐ ngay khi mang thai được cấp thẻ vàng, được ưu tiên để xe dưới tầng trệt, ưu tiên lúc đi vệ sinh, khi ăn cơm; từ tuần thứ 25 thai kỳ đến khi con đủ 1 tuổi, NLĐ được nghỉ 1 giờ làm việc/ ngày và được hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ. Ngoài ra, các quyền lợi khác theo quy định của Luật Lao động công ty đều thực hiện đầy đủ.

Liên quan đến bình đẳng giới, công ty không có sự phân biệt trong tuyển dụng, sắp xếp công việc, tính lương thưởng hay cất nhắc vào các vị trí quản lý. Cụ thể, công ty tuyển dụng cả nam, nữ cho công việc may; việc trả lương cho NLĐ dựa trên tay nghề và năng suất làm việc; hằng năm công ty tổ chức các khóa học nâng cao tay nghề dành cho mọi công nhân. Hoàn thành khóa học, tùy theo bậc nghề, NLĐ sẽ được cất nhắc tăng phụ cấp tay nghề, được xét nâng lương sớm hoặc cất nhắc vào các vị trí tổ trưởng, quản lý. Bên cạnh đó, công ty còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ kỹ năng giúp lao động nữ đối phó với tình trạng quấy rối tình dục.

Một điểm nhấn khác trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ đó là từ năm 2011, công ty đã thực hiện việc đối thoại giữa lãnh đạo công ty với công nhân, sớm hơn cả quy định của pháp luật Việt Nam. Tham gia vào các buổi đối thoại là đại diện công nhân các bộ phận, đại diện Công đoàn, Nhân sự và Ban giám đốc. Hiện tại công ty có các hình thức phát huy quyền dân chủ tại nơi làm việc đó là: đối thoại định kỳ hằng tháng, hội nghị NLĐ hàng năm, NLĐ phản ánh trực tiếp với các phòng ban chuyên môn và lãnh đạo, quản lý; thông tin qua thùng thư góp ý.

Bà Nguyễn Kiều Nga, Giám đốc hành chính nhân sự của công ty cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ cũng như thực hiện Luật Bình đẳng giới trong doanh nghiệp góp phần đảm bảo được quyền lợi cho lao động nữ; tăng tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn trong quá trình thực thi. Theo đó khó bố trí người thay thế khi lao động nữ mang thai từ tuần thứ 25 trở đi và đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi, nghỉ trước một giờ, ảnh hưởng đến cả chuyền và doanh nghiệp phải khắc phục bằng cách bố trí một chuyền dành riêng cho lao động được về sớm nhưng cũng không đủ do số lượng lao động nghỉ thai sản trung bình mỗi tháng trên 50 người. Với lao động nữ trong thời kỳ kinh nguyệt cũng tương tự, khó sắp xếp người làm thay 30 phút/ mỗi ngày; công ty có nhận lao động khuyết tật vào làm việc, tuy nhiên số lượng rất ít nên không thể bố trí một không gian làm việc riêng cho số lao động này theo quy định. Nhân đây doanh nghiệp kiến nghị có thể thỏa thuận với NLĐ hỗ trợ tiền thay cho thời gian nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời kỳ kinh nguyệt; sắp xếp công việc và chỗ làm phù hợp nhất cho người khuyết tật mà không cần phải khu vực riêng.

Ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trưởng đoàn công tác đánh giá Công ty Asia đã thực hiện khá tốt công tác bình đẳng giới tại doanh nghiệp trong việc trả lương, tuyển dụng, sắp xếp việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, lao động nữ nói chung và lao động nữ mang thai nói riêng được hưởng nhiều chế độ theo luật và hơn luật như: được nghỉ 30 phút trong kỳ kinh nguyệt; mang thai từ tuần thứ 25 trở đi đến khi con được 1 tuổi được nghỉ sớm 1 giờ/ngày…

Nhiều lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Trong phần nội dung tọa đàm, đối thoại với công nhân về tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ (do đoàn công tác và doanh nghiệp tổ chức), phần lớn NLĐ tại Công ty Asia mong muốn các đại biểu Quốc hội kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân làm việc trong các doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm làm quản lý sản xuất nhiều năm, chị Bùi Thị Mỹ Phương cho biết, rất nhiều công nhân không thể trụ nổi với nghề khi bước vào tuổi 50, chưa nói đến 55 hay 60 tuổi. “Đặc thù của công nhân may là ngồi nhiều, rất dễ mắc các bệnh về cột sống, đau khớp, ù tai, hoa mắt... Có một thực tế là sức khỏe của phần đông NLĐ đều bị suy giảm sau nhiều năm làm việc nên khi biết có đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, họ rất lo lắng. Sức khỏe không đảm bảo dẫn đến năng suất không đạt, mà năng suất không đạt NLĐ buộc phải chấp nhận giảm lương hoặc xin nghỉ hưu sớm. Mà nghỉ hưu sớm, chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội lại không được hưởng lương hưu ngay. Tôi cho rằng số tuổi như hiện tại (nam 60 và nữ 55) đã hợp lý, không nên điều chỉnh nữa”, chị Phượng nói.


Công nhân Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ với các đại hiểu Quốc hội, một công nhân tên Hiền cho biết chị là người trực tiếp may dưới xưởng, với cường độ và môi trường làm việc nóng bức, công nhân may không thể làm việc đến 60 tuổi. Cho dù có cố gắng để làm việc đi nữa thì mắt không còn đủ tinh để nhìn thấy đường may. “Có doanh nghiệp nào sẵn sàng trả lương cao cho một lao động lớn tuổi mà năng suất lại giảm không hay họ sẽ tuyển một lao động trẻ với chi phí lương chỉ bằng khoảng 1/3 mà năng suất lao động bằng thậm chí hơn lao động lớn tuổi kia?”, chị Hiền đặt câu hỏi.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố và đã được bàn thảo nhiều lần. Kéo dài tuổi nghỉ hưu là xu hướng và nhiều nước đã thực hiện. Tuy nhiên, đó là ở các nước phát triển, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi tốt hơn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, sẽ tổng hợp ý kiến của NLĐ để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn. Dịp này, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị lãnh đạo công ty và Ban chấp hành CĐCS công ty tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ và phát huy bình đẳng giới trong doanh nghiệp, hướng tới xã hội bình đẳng; tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo thiết thực cho NLĐ; thực hiện tốt việc tăng lương, thưởng Tết cho công nhân lao động, quan tâm đặc biệt đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… 

Kiến nghị không tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân sản xuất

Ông Lê Minh Phương, Giám đốc nhà máy Công ty Asia cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ với công nhân sản xuất, bởi đứng trên phương diện là chủ sử dụng lao động không ai muốn trả lương cao cho người làm việc năng suất trung bình. Trên phương diện NLĐ, họ đã làm việc quá nhiều năm, đã hao tốn quá nhiều sức lực và đây là thời điểm thích hợp để họ được nghỉ ngơi, thư giãn, dưỡng sức.

H. Lộc

Tác giả: Nguyễn Thị Lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây