Chỉ sau 1 tháng thành lập và đi vào hoạt động, đơn vị điều trị đột quỵ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Long Khánh đã cứu sống 6 trường hợp bệnh nhân nhồi máu não cấp. Trong đó, ca bệnh trẻ nhất là 53 tuổi, lớn tuổi nhất là 84 tuổi. Sau khi điều trị, các trường hợp trên đều hồi phục tốt.
Vào viện càng sớm, càng tốt
Gần 7 giờ tối ngày 21-2, bà Vòng Sắt Múi (70 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Bình Lợi, TX. Long Khánh) được người nhà đưa vào BVĐK khu vực Long Khánh cấp cứu. Theo người nhà bà Múi, trước đó 30 phút, bà đang nhặt trứng gà ngoài vườn thì bị té ngã. Gia đình đã kịp thời đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, không nói được và bị liệt hoàn toàn bên trái. Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nặng, có thể tử vong. Ngay lập tức, các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp CT. May mắn, bệnh nhân không bị xuất huyết não, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp. “Chúng tôi đã tư vấn ngay cho người nhà để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Đây là cách duy nhất để cứu tính mạng bệnh nhân”, BS. Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, BVĐK khu vực Long Khánh cho hay.
Được biết, bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp từ 3 năm nay nhưng vẫn điều trị ngoại trú, uống thuốc thường xuyên. Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi tốt. “Chỉ sau 1 tiếng cấp cứu, mẹ tôi đã tỉnh lại và cử động được chân tay”, con trai bà Múi nói.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi được cấp cứu kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Trước đó, ngày 7-2, ông Vũ Minh Lý (61 tuổi, ngụ TX. Long Khánh) cũng được người nhà đưa vào BVĐK khu vực Long Khánh cấp cứu trong tình trạng tương tự. Ông Lý bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, méo miệng, không nói được. Các bác sĩ đã chẩn đoán ông Lý bị nhồi máu não cấp, đang trong thời gian vàng để sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau 5 ngày chữa trị, ông Lý đã hồi phục, đi lại, sinh hoạt bình thường và xuất viện.
Trên đây là 2 trong số 6 trường hợp bị bệnh nhồi máu não mà BVĐK khu vực Long Khánh cứu sống nhờ thuốc tiêu sợi huyết trong 1 tháng kể từ khi đơn vị điều trị đột quỵ của bệnh viện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, bệnh nhân chủ quan không nhập viện sớm khi bị bệnh và để lại hậu quả đáng tiếc. Gần đây, BS. Thành cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam làm công nhân, ngụ tại TX. Long Khánh. Bệnh nhân mới 39 tuổi, bị lên cơn nhồi máu não cấp từ nửa đêm. Tuy nhiên, người thân lại không đưa bệnh nhân nhập viện kịp thời. “Mãi đến 7 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân mới được đưa vào bệnh viện. Sau khi thăm khám, chụp CT, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu phải. Tuy nhiên, bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ nên không thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Hiện bệnh nhân đang phải đối mặt với chứng liệt nửa người, nói khó nghe. Nếu bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sớm, khả năng hồi phục rất cao vì vẫn còn trẻ, mạch máu phục hồi tốt”, BS. Thành chia sẻ.
Đừng ngộ nhận nhồi máu não là “trúng gió”
BS. Thành khuyến cáo, khi người thân trong gia đình có biểu hiện: méo miệng, nói khó, yếu nửa người phải đưa đến ngay cơ sở y tế có thể điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Bởi thời gian vàng của điều trị thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4,5 tiếng từ khi cơn đột quỵ xảy ra. Nếu để bệnh nhân càng lâu, tổn thương não càng nhiều và cơ hội hồi phục càng giảm.
“Khi bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh đột quỵ, người dân thường cho đó là “trúng gió”. Thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, nhiều người lại xoa bóp, cạo gió, bấm huyệt. Chỉ khi thấy bệnh tình của bệnh nhân ngày càng xấu đi họ mới đưa vào bệnh viện. Lúc ấy, bệnh nhân đã qua thời gian vàng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Có ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 4 ca đột quỵ não nhưng đều quá thời gian vàng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Hậu quả là bệnh nhân không thể hồi phục, bị liệt hoàn toàn”, BS. Thành nói.
BS. Thành cho biết thêm, độ tuổi bị bệnh nhồi máu não khoảng từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy, người bị bệnh này ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân do đời sống ngày càng cải thiện, nhiều người sử dụng thức ăn có chất dinh dưỡng cao nhưng không có chế độ tập luyện thể dục. Hơn nữa, nhiều người còn sử dụng rượu, bia hoặc bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường lâu năm mà không phát hiện, chữa trị. Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai lâu ngày cũng có nguy cơ tạo huyết khối, dẫn đến cơn đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều biến chứng như: liệt nửa người lâu ngày dẫn đến lở loét, suy dinh dưỡng và trầm cảm. Có đến hơn 50% bệnh nhân bị biến chứng do căn bệnh này đều mắc bệnh trầm cảm.
BS. Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh cho biết thêm, vẫn còn nhiều người dân ở các vùng giáp ranh địa phận TX. Long Khánh bị bệnh nhồi máu não. Trước đây, các ca bệnh nhẹ, bệnh viện vẫn cứu chữa, còn các ca bệnh nặng, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết bệnh viện phải chuyển lên BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai. Từ khi đơn vị điều trị đột quỵ đi vào hoạt động, bệnh viện đã xây dựng quy trình riêng cho các bệnh nhân này. Bệnh nhân vào viện, bệnh viện phải sử dụng báo động đỏ để tận dụng thời gian vàng cứu bệnh nhân. “Chúng tôi có 2 ê kíp dành riêng cho bệnh nhân bị nhồi máu não. Một ê kíp tập trung cấp cứu bệnh nhân, còn ê kíp kia lo giấy tờ, thủ tục nhập viện cho bệnh nhân ”, BS. Huyên nói.
Bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời
BS. Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, BVĐK khu vực Long Khánh nhấn mạnh: không có bệnh nào gọi là “trúng gió”. Khi bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường mà đột ngột có các biểu hiện: liệt mặt, yếu nửa người, nói khó phải đưa người bệnh vào bệnh viện gần nhất có sử dụng thuốc tiêu sợi huyết.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, có quy trình cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu não cấp gồm: BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai và BVĐK khu vực Long Khánh.
Khánh Ngọc
Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập