Cùng với việc chú trọng nâng chất lượng đào tạo, những năm gần đây, công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên (HSSV) đã được các cơ sở giáo dục trong tỉnh quan tâm thực hiện. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng chất lượng đội ngũ đảng viên và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong HSSV vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi...
Chú trọng công tác tạo nguồn
Phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đảng, trong đó có tổ chức Đảng trong nhà trường, học viện, nhất là trong xu hướng “già hóa” đảng viên tại một số địa phương hiện nay. Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” đã đề ra nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành “Tích cực tạo nguồn, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhất là ở những cơ sở hiện còn ít hoặc chưa có đảng viên”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”.
Là một trong số ít đơn vị nổi bật trong công tác phát triển Đảng trong sinh viên thời gian qua, trong năm 2018, tại Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai đã có 40 sinh viên được kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Đỗ Quốc Việt, Bí thư Đoàn trường cho biết, hiện có khoảng trên 1.800 sinh viên đang theo học tại trường, đây là nguồn lực dồi dào để chọn lọc các quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Trong quá trình sinh viên phấn đấu, thử thách, chi bộ sinh viên phân công các đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ nhiệt tình. “Để không rơi vào tình trạng “bí” nguồn, chi bộ sinh viên nhà trường áp dụng quy trình giới thiệu, xem xét kết nạp linh hoạt. Bên cạnh đề xuất của Đoàn thanh niên, các đảng viên đang sinh hoạt, các khoa cũng có thể giới thiệu quần chúng ưu tú để chi bộ xem xét kết nạp. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường để sinh viên rèn luyện và phấn đấu cũng được trường chú trọng”.
Chi bộ sinh viên Trường đại học Lạc Hồng tổ chức kết nạp đảng viên là sinh viên tại Chiến khu Đ.
Xác định số lượng HSSV chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thanh niên, là nguồn bổ sung lực lượng kế cận đáng kể cho Đảng, Trường THPT Long Khánh nhiều năm liền là “lá cờ đầu” trong công tác phát triển Đảng trong học sinh khối THPT. Trong năm 2018, nhà trường có 14 đảng viên mới kết nạp, trong đó có 10 đảng viên là học sinh. Để tạo nguồn phát triển Đảng, nhà trường thành lập CLB Công dân trẻ nhằm tạo điều kiện để các quần chúng ưu tú là học sinh có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn cùng rèn luyện, tìm hiểu về Đảng. Cô Hoàng Diệu Thúy, Chi ủy viên Chi bộ 2, phụ trách CLB Công dân trẻ cho hiết, quá trình phấn đấu của những học sinh ưu tú được kết nạp Đảng tác động tích cực đến các học sinh khác, động viên các em tiếp tục phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, học tập và có lý tưởng, mục đích sống cao đẹp. Tuy nhiên, việc giáo dục, bồi dưỡng các đoàn viên ưu tú cần có phương pháp phù hợp độ tuổi bởi học sinh đang ở độ tuổi trẻ, nhận thức chính trị còn nhiều hạn chế.
Góp phần phát triển Đảng
Việc phát triển Đảng ở địa bàn dân cư, vùng nông thôn hiện đang gặp khó, “cạn nguồn” khi những nhân tố tích cực, dồi dào lại đang học tập tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Do đó, việc phát triển đảng viên trong khối trường học cần được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, mặc dù số lượng đảng viên được kết nạp trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, song nhìn chung vẫn còn thấp so với lực lượng đông đảo HSSV trong tỉnh, bởi chỉ tính riêng bậc đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã có hơn 32.000 sinh viên. Số lượng đảng viên chính thức trong đội ngũ HSSV chưa nhiều, chủ yếu là đảng viên trong quá trình dự bị, được kết nạp trong những năm học cuối của cấp học. Đảng viên là HSSV đa phần nằm ở khối đại học, tỷ lệ đảng viên là học sinh THPT, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vẫn còn rất thấp.
Theo các chi bộ có HSSV tham gia sinh hoạt, để trở thành đối tượng kết nạp Đảng, HSSV phải hội tụ được nhiều yếu tố như: có kết quả học tập xuất sắc, có hạnh kiểm tốt; đủ tuổi theo quy định; có vai trò nòng cốt trong các hoạt động của chi đoàn, lớp; tích cực tham gia công tác đoàn thể, xã hội, được Đoàn, chi đoàn, các chi bộ khoa, phòng chọn lọc, giới thiệu và được tập thể lớp tín nhiệm cao. Ngoài ra, quy định HSSV sau 12 tháng học tại trường mới được xét cảm tình Đảng, trong khi thời gian theo học ở bậc học cao đẳng, trung cấp khá ngắn cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó tạo nguồn. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân, quá trình theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng của tổ chức Đảng.
Đối với học sinh khối THPT, nhiều học sinh có học lực giỏi, đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, năng nổ trong hoạt động đoàn thể nhưng khi xét đi học lớp bồi dưỡng về Đảng lại vướng tiêu chuẩn độ tuổi kết nạp.
Anh Lê Sơn Quang, Bí thư Đoàn Trường đại học Lạc Hồng cho rằng, nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong phấn đấu và rèn luyện cũng là một hạn chế. Thực tế hiện nay nhiều sinh viên không có ý chí rèn luyện, không quan tâm phấn đấu vào Đảng; một số lại có mục tiêu kết nạp Đảng để làm “đẹp” hồ sơ tìm việc làm sau này. “Do đó, việc tạo nguồn phát triển Đảng trong sinh viên phải rất chặt chẽ, đảm bảo sinh viên được kết nạp phải “vừa hồng, vừa chuyên”. Để làm được điều này, Đoàn trường phải chủ động trong việc tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức về Đảng cho HSSV” anh Sơn nói.
Công tác phát triển Đảng cho sinh viên các trường học có điểm khác biệt so với các cơ quan, đơn vị khác là vai trò của tổ chức Đoàn, Hội sinh viên được thể hiện rõ nét, từ khâu phát hiện nhân tố tích cực đến góp phần bồi dưỡng, rèn luyện, phát triển và giới thiệu vào Đảng. Tại Trường đại học Lạc Hồng, Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên thường xuyên đổi mới các hình thức sinh hoạt Đoàn để thu hút sinh viên tham gia. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với các phong trào thi đua như: “Sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học”, “Sáng tạo trẻ” , “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Sinh viên 5 tốt”… Các phong trào này đã tạo môi trường để sinh viên rèn luyện và phấn đấu, đồng thời xuất hiện những quần chúng tiêu biểu để Đảng xem xét kết nạp. Đặc biệt, công tác phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu sinh viên ưu tú trên mặt trận tình nguyện được nhà trường quan tâm. Trong các năm gần đây, nhiều sinh viên ưu tú đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành tại các mặt trận “Mùa hè xanh”. Chi bộ Sinh viên trường cũng đã đổi mới hình thức tổ chức kết nạp đảng viên mới ngay tại các mặt trận tình nguyện hoặc các địa chỉ đỏ như Chiến khu Đ, Văn miếu Trấn Biên…
Góp phần “trẻ hóa” đảng viên
Việc phát triển Đảng trong HSSV không chỉ cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng có tri thức được đào tạo cơ bản về trình độ chính trị, chuyên môn mà còn góp phần nâng tỷ lệ độ tuổi thanh niên vào Đảng; tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đảm bảo sự kế thừa, phát triển liên tục của Đảng. Mặt khác, công tác phát triển Đảng trong các nhà trường cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng, phản ánh và khẳng định chất lượng giáo dục, đào tạo, bao gồm cả về tri thức lẫn phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của sinh viên hiện nay.
Thảo Nguyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập