Nhằm tạo lập và chia sẻ dữ liệu nền tảng địa chỉ tới từng số nhà, từng địa chỉ trên quy mô toàn quốc, cuối năm 2018, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung ương Ðoàn, Ðại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam”. Tại Ðồng Nai, Bưu điện tỉnh và Tỉnh đoàn đang tích cực tham gia thu thập dữ liệu nhằm hoàn thành tiến độ chung của dự án.
Tạo nền tảng phát triển các công nghệ tiên tiến
“Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” là dự án nằm trong khuôn khổ đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo...
Đoàn viên, thanh niên thu thập dữ liệu qua smartphone.
Dự án không chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ của các địa điểm. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, dữ liệu bản đồ càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống dữ liệu của riêng mình, vừa đảm bảo phục vụ yêu cầu trong việc quản lý nhà nước vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Theo đó, “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch… Thông qua Bản đồ số Việt Nam, người dùng cũng có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã…
Phấn đấu đảm bảo tiến độ chung
Ðể hoàn thành mục tiêu xây dựng Bản đồ số Việt Nam trong tháng 2-2019, lực lượng nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã đồng loạt ra quân thu thập dữ liệu địa chỉ. Theo đó, toàn tỉnh được giao thu thập 706.609 địa điểm, trong đó bưu điện phụ trách 348.144 địa điểm, còn lại do Tỉnh đoàn phụ trách. Ðây là số lượng địa điểm cần thu thập dữ liệu khá lớn, đòi hỏi lực lượng đông và cần thao tác chính xác. Thông qua smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng thu thập dữ liệu, gắn tọa độ, thời gian, chụp ảnh… mỗi nhân viên bưu điện, đoàn viên, thanh niên thực hiện thu thập tên địa chỉ (hộ gia đình, cửa hàng, địa điểm…); địa chỉ chi tiết của địa điểm (số nhà, đường phố, hẻm, xóm…) và các ghi chú về loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số Việt Nam tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn.
Ðể thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh đoàn đã hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thu thập dữ liệu. Anh Võ Văn Trung, Phó trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết, thời gian đầu triển khai, một số cơ sở Ðoàn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu bản đồ số nên chưa chỉ đạo quyết liệt việc ra quân thu thập. Ðể đảm bảo tiến độ đề ra, hơn 10 ngày qua, đoàn viên thanh niên của 11 huyện, TX.Long Khánh và TP. Biên Hòa đã đồng loạt ra quân thu thập dữ liệu bản đồ số với quyết tâm cao nhất. “Những bạn đoàn viên, thanh niên sau giờ làm, giờ học cũng tổ chức thu thập dữ liệu tại nơi mình sinh sống. Mặc dù trời nắng nóng nhưng các bạn vẫn không ngại khó, đi đến nhiều địa bàn vùng xa để thực hiện vì hiểu được ý nghĩa của đề án này”, anh Trung nói.
Bên cạnh đó, thời gian triển khai gấp, một số địa phương chưa nắm bắt được nội dung cụ thể của đề án, nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc xây dựng nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam nên còn có phản ứng khi nhân viên đi thu thập dữ liệu cũng gây khó khăn cho công tác thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó, phần mềm thu thập dữ liệu địa chỉ thường hay nghẽn mạng, nhất là vào các ngày cuối tuần, những giờ cao điểm. Thông tin về số hộ cụ thể có sự chênh lệch quá lớn với số địa chỉ, bởi có nhiều trường hợp một địa chỉ thu thập, nhưng trong đó có nhiều hộ gia đình. Tại một số địa bàn vùng xa của tỉnh, mạng di động yếu nên việc thu thập các dữ liệu tại các khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Anh Huỳnh Thế Cần, Bí thư Ðoàn phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa chia sẻ: “Khó khăn là khi thu thập dữ liệu mình vừa thao tác trên điện thoại vừa quan sát nhà dân nên dễ gây hiểu lầm. Khi đó, chúng tôi tích cực giải thích và phần lớn người dân đều ủng hộ. Chúng tôi đang nỗ lực để góp phần đặt viên gạch đầu tiên xây dựng hệ tri thức số hóa sau này”.
Ðể giải quyết những khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tham gia thu thập dữ liệu, sử dụng bản đồ số trong công tác quản lý tại địa phương. Ðặc biệt là khuyến khích người dân cùng tham gia vào việc thu thập dữ liệu địa chỉ trên địa bàn.
Tính đến trưa qua 28-2, ngành Bưu điện tỉnh đã hoàn thành trên 92% địa điểm được giao, Ðoàn thanh niên đã hoàn thành trên 80% (tương đương trên 239.000 địa điểm). Trong đó, các Bưu điện huyện đã hoàn thành gồm: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú, Trảng Bom và TX. Long Khánh; 3 Huyện đoàn đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu gồm: Thị đoàn Ðịnh Quán, Thống Nhất và Trảng Bom.
Theo các chuyên gia, khi dự án dữ liệu Bản đồ số Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực hơn so với các bản đồ số của nước ngoài đang được sử dụng lâu nay. Tiến độ chung của toàn quốc để hoàn thành việc thu thập dữ liệu này là trong tháng 2-2018.
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập