Thiết thực chăm lo đời sống lao động nữ

Chủ nhật - 03/03/2019 23:12
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Lao động nữ (LĐN) hiện chiếm hơn 60% trong tổng số gần 1,2 triệu lao động trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành giày da, may mặc, điện tử, tỷ lệ LĐN chiếm tới hơn 80%. Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp ngoài việc quan tâm chăm lo cho người lao động (NLĐ) nói chung còn có sự ưu tiên đối với LĐN bằng việc đưa thêm nhiều chế độ, chính sách chăm lo trực tiếp. Đây là sự quan tâm cần thiết và ý nghĩa giúp LĐN với những đặc thù riêng về sức khỏe và giới… an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.​

Ưu tiên hơn với LĐN

Tại Công ty TNHH Tân Dương, Chủ tịch CĐCS công ty Trần Thị Bích Lài cho biết, bên cạnh các chế độ phúc lợi đối với NLĐ nói chung, nhằm chăm lo tốt hơn cho LĐN, gần đây, công ty đã sửa sang, mở rộng thêm khu nhà xe, đồng thời xây dựng thêm dãy 5 phòng vệ sinh cá nhân đặc biệt dành riêng cho nữ công nhân lao động. Các phòng được trang bị tương đối đầy đủ dụng cụ như một nhà tắm của gia đình, tạo không gian thoải mái và sạch sẽ cho nữ công nhân, nhất là vào những ngày đặc biệt của chị em trong tháng. Trước đó, tại các xưởng sản xuất, công ty tiến hành kiểm tra, rà soát và đầu tư thay thế dần những chiếc máy cũ phát ra tiếng ồn lớn, nhiều bụi trong quá trình hoạt động bằng các loại máy thông minh áp dụng công nghệ mới, nhằm giảm tác động xấu đến sức khỏe của NLĐ nói chung và LĐN nói riêng…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn duy trì việc hỗ trợ các khoản phụ cấp cho LĐN như phụ cấp nuôi nuôi con nhỏ, hỗ trợ phí gửi trẻ… Có thể kể đến như: Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam hỗ trợ phụ cấp nuôi con nhỏ cho LĐN có con từ 0 - 6 tuổi 100.000 đồng/tháng; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam hỗ trợ phí gửi trẻ 150.000 đồng/tháng đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi; Công ty TNHH Vina hỗ trợ học phí từ cấp mầm non đến tiểu học cho con NLĐ… Đặc biệt tại một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động còn hỗ trợ xây dựng trường mầm non, trang bị phòng vắt trữ sữa, ký túc xá cho NLĐ như Công ty CP Taekwang Vina, Công ty TNHH Changshin, Công ty TNHH giày Dona Standard… Từ đó, thiết thực chăm lo NLĐ, đặc biệt là LĐN.

 
LĐN Công ty TNHH Vina phấn khởi tham gia hội thi nấu ăn do CĐCS phối hợp với công ty tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm 2018.

Liên quan đến thời gian làm việc và chế độ nghỉ ngơi đối với LĐN, nhiều doanh nghiệp bố trí LĐN đang mang thai được đi ăn cơm và về trước sớm hơn từ 5 - 10 phút; LĐN được nghỉ 30 phút/ngày vào thời gian kinh nguyệt trong tháng; bố trí LĐN đang mang thai, nuôi con nhỏ, lớn tuổi những công việc nhẹ nhàng hơn, phù hợp sức khỏe và thời gian chăm con… Có thể kể đến như Công ty TNHH May mặc Toptex, Công ty TNHH Epic Designers Việt Nam, Công ty TNHH May mặc United Sweethearts Việt Nam…

Năm nay đã gần 60 tuổi và có thâm niên gắn bó với công ty đã 20 năm, công nhân Đoàn Thị Huy, Công ty TNHH Vina cho biết, trước đây bà làm ở bộ phận trực tiếp sản xuất nhưng nhiều năm nay do sức khỏe giảm sút, công ty sắp xếp bà sang làm ở bộ phận tạp vụ tại khu vực nhà hành chính của công ty. “Bây giờ mỗi ngày tôi chỉ làm việc theo giờ hành chính nhẹ nhàng hơn, công việc cũng khỏe hơn nhiều so với khi làm trực tiếp ở xưởng mà vẫn có thu nhập ổn định, các chế độ khác vẫn được hưởng đầy đủ. Tôi thấy rất hài lòng”, bà Huy bộc bạch.

Riêng các ngày lễ của phụ nữ như 8-3, 20-10, các doanh nghiệp còn có hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch, tọa đàm nói chuyện chuyên đề phục vụ LĐN. Qua đó nâng cao hiểu biết, củng cố, bồi dưỡng kiến thức về cách tổ chức và chăm sóc cuộc sống gia đình cho LĐN. Bên cạnh đó, Ban Nữ công Công đoàn các cấp còn phát huy vai trò trong việc bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với LĐN. Các Công đoàn cơ sở cũng đã tập trung phát động phong trào thi đua yêu nước trong LĐN như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc… Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiêu biểu trong nữ công nhân viên chức lao động.

Có thể thấy rằng, các hoạt động chăm lo từ vật chất đến tinh thần đã giúp LĐN nói riêng và NLĐ nói chung yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, nỗ lực lao động, sáng tạo.

Thêm phúc lợi, thêm gắn bó

Tại cuộc họp các CĐCS ngành gỗ KCN Tam Phước liên quan đến dự án thí điểm “đối thoại nhóm doanh nghiệp” do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công đoàn KCN Biên Hòa tổ chức mới đây, bên cạnh các nội dung liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca của NLĐ, một trong những nội dung cũng nhận được sự quan tâm và thống nhất cao từ đại diện các cấp Công đoàn tham dự và dự kiến sẽ đưa vào thương lượng trong buổi đối thoại với đại diện doanh nghiệp là việc hỗ trợ phụ cấp nuôi con nhỏ cho LĐN đang nuôi con từ 0 - 6 tuổi với mức tối thiểu từ 50.000 đồng/tháng/người trở lên.


 
Lao động nữ ngành may mặc trong giờ làm việc.

Đại diện các cấp Công đoàn đều cho rằng, việc có thêm khoản hỗ trợ này là rất cần thiết đối với LĐN bởi đây là giai đoạn LĐN có những khó khăn và áp lực. Sự hỗ trợ này từ phía doanh nghiệp sẽ góp phần chia sẻ bớt những khó khăn, giúp họ có thêm động lực để an tâm gắn bó với công việc.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dù có những đặc thù riêng về sức khỏe, thiên chức làm mẹ, song vẫn còn rất nhiều LĐN ở nhiều nơi chưa nhận được sự quan tâm chăm lo đúng mức. Nhiều doanh nghiệp không có thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào dành cho LĐN. Nhiều doanh nghiệp tuy có hỗ trợ song lại ở mức quá khiêm tốn. Từ đó, gây ra tâm lý so sánh dẫn đến chiều hướng “nhảy” việc trong NLĐ và có thể kéo theo tình trạng bất ổn trong quan hệ lao động.

Lại xét ví dụ riêng về khoản phụ cấp nuôi con nhỏ tại nhóm doanh nghiệp ngành gỗ tại KCN Tam Phước. Qua khảo sát cho thấy, tuy có một số doanh nghiệp đã duy trì hỗ trợ LĐN ở mức được cho là tương đối như 100.000 đồng/người/tháng, song có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/tháng và cũng rất nhiều doanh nghiệp không hề có khoản phụ cấp này. Mức hỗ trợ NLĐ còn tùy thuộc vào điều kiện, tình hình sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, song khó tránh khỏi tâm lý so sánh trong NLĐ.

Chính vì vậy, để giúp LĐN được hưởng lợi nhiều hơn và đồng thời giúp hạn chế tâm lý so sánh, có thể kéo theo tâm lý “nhảy” việc trong NLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp cùng ngành, đại diện các cấp Công đoàn trong cuộc họp nêu trên đã thống nhất nên hỗ trợ phụ cấp nuôi con nhỏ cho LĐN với mức tối thiểu từ 50.000 đồng/tháng/người vào nội dung đối thoại nhóm doanh nghiệp ngành gỗ tại KCN Tam Phước trong thời gian tới.

Nhiều cán bộ CĐCS cho biết thêm, thời gian qua, tại nhiều doanh nghiệp, qua các buổi đối thoại cởi mở, thẳng thắn, đã có thêm rất nhiều chế độ phúc lợi cho NLĐ nói chung và LĐN nói riêng được thực thi sau đó. Phát huy hiệu quả của hoạt động đối thoại sẽ góp phần cải thiện chế độ phúc lợi cho NLĐ và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, gắn kết trong doanh nghiệp.

Chuẩn bị tốt cho các cuộc đối thoại

Để đối thoại thành công và mang lại những lợi ích thiết thực cho NLĐ nói chung, trong đó có LĐN, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng, trước các buổi đối thoại, cán bộ Công đoàn phải chuẩn bị thật tốt nội dung và kỹ năng, nhất là kỹ năng phản biện, thuyết phục. Phải làm cho chủ doanh nghiệp hiểu được lợi ích mà họ nhận được từ việc nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ chính là đang nỗ lực tạo sự gắn bó của NLĐ, là góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Hồ Thảo

Tác giả: Hồ Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây