Theo đánh giá của UBND tỉnh tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính (CCHC) diễn ra mới đây, từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực; đồng thời tiếp tục đưa ra những giải pháp khắc phục các hạn chế, khó khăn, đẩy mạnh công tác CCHC trên mọi lĩnh vực.
Tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường, thực hiện kế hoạch năm 2019, công tác CCHC đã được tập trung triển khai ngay từ đầu năm với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, các sở ngành, địa phương đã triển khai rà soát, công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, thủ tục được sửa đổi, thủ tục bị bãi bỏ của các ngành: Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TTDL), Giao thông - vận tải, Kế hoạch - đầu tư, Ban quản lý các KCN. Đồng thời kiện toàn hoạt động của Trung tâm Hành chính công về nhân sự, hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, sử dụng phần mềm thu phí, lệ phí. Các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ phận “một cửa” cấp huyện và xã như nâng cấp cơ sở vật chất ở TP. Biên Hòa, huyện Cẩm Mỹ; rà soát bổ sung nhân sự, một số TTHC, dịch vụ công cần thiết cho người dân tại bộ phận “một cửa”…
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 21/21 sở hoàn chỉnh Đề án về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt đề án theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Cụ thể như các sở: Nội vụ, Công thương, Xây dựng, Giáo dục và đào tạo, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, VH-TTDL, Ngoại vụ, Tài Chính, Tư pháp, Kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý các KCN, Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh… Qua sắp xếp đã giảm được 33 đầu mối cấp phòng thuộc sở; dự kiến giảm 21 nhân sự cấp trưởng phòng và 27 nhân sự giữ chức vụ phó trưởng phòng. Đối với các đơn vị sự nghiệp, sau tổ chức sắp xếp đã giảm được 8 đơn vị trực thuộc cấp sở; giải quyết 47/50 trường hợp (14 công chức, 33 viên chức và hợp đồng) nghỉ việc theo Nghị quyết số 120/2018/NQ-CP của Chính phủ.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng trao quyết định bổ nhiệm các chức danh tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Huỳnh Văn Tịnh cho biết, chỉ tính các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đến cuối tháng 12-2018, Sở đã hoàn thiện và trình Đề án thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được hình thành từ việc hợp nhất các trung tâm: Bảo trợ người già, người khuyết tật, người tâm thần; Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa; Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật và Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ. Trụ sở mới của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẽ được xây dựng trên phần đất của Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (thuộc khu phố 5, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa). Như vậy, nếu so với trước đây, đã giảm được 4 đầu mối và tập trung về một khu vực để thuận lợi trong quản lý, điều hành.
Sở VH-TTDL cũng đã hoàn thành, công bố Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Như vậy, từ 11 đơn vị trực thuộc, sau khi sáp nhập, hợp nhất hiện Sở VH-TTDL còn 8 đơn vị trực thuộc. Trước đó, vào tháng 1-2019, Sở VH-TTDL cũng đã tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh phê duyệt đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và các quyết định về công tác cán bộ. Theo đó, Sở VH-TTDL đã sáp nhập 5 phòng chuyên môn thành 2 phòng, qua đó giảm 3 đầu mối. Cụ thể, 3 phòng: Quản lý Văn hóa, Quản lý Du lịch và Quản lý Thể dục - thể thao được sáp nhập thành Phòng Quản lý Văn hóa - thể thao và du lịch; 2 phòng gồm: Tổ chức - pháp chế và Văn phòng Sở được sáp nhập thành Phòng Tổ chức hành chính.
Tháo gỡ vướng mắc trong CCHC
Đánh giá về công tác CCHC trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về CCHC của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa thể hiện hết trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là UBND cấp xã. Bên cạnh đó, việc cập nhật TTHC trên cổng dịch vụ công, các trang thông tin điện tử chưa hoàn chỉnh, chưa kết nối và chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Việc chuẩn hóa TTHC còn chậm, thiếu quy trình, chưa cấu hình kịp thời lên phần mềm; việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm chưa hoàn chỉnh; tốc độ đường truyền còn chậm; cấu hình gửi tin nhắn SMS chưa đúng trạng thái hồ sơ… gây quá tải cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh…
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn này, từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nâng cấp Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai lên phiên bản 2.0, đồng thời phối hợp với Trung tâm Chính phủ điện tử để thực hiện các thủ tục triển khai. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay đã cập nhật chức năng trục liên thông theo hướng dẫn kỹ thuật kết nối trục, cung cấp cho các đơn vị hiệu chỉnh phần mềm quản lý văn bản. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã trình UBND tỉnh đề án Xây dựng cổng thanh toán trực tuyến; triển khai tích hợp hệ thống camera giám sát tại bộ phận “một cửa” các cấp.
Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao hiệu quả công việc và sự hài lòng của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ nhằm tháo gỡ những khó khăn, sớm hoàn thiện nâng cấp hệ thống trung tâm xử lý dữ liệu phục vụ công tác CCHC của tỉnh hiện đang trong tình trạng quá tải. “Việc quá tải trên hệ thống Trung tâm xử lý dữ liệu nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới tốc độ đường truyền và xử lý văn bản. Đến cuối tháng 3 này, nếu sở, ngành, địa phương nào còn để chậm trễ trong cung cấp dữ liệu cập nhật, gây khó khăn trong CCHC thì giám đốc sở, ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nội vụ phối hợp đưa ra Quy chế với các tiêu chí cụ thể trong chấm điểm CCHC hằng năm trên cơ sở nâng chất lượng TTHC và những quy định theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông có thể làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để có hướng xử lý tạm thời, đảm bảo không bị nghẽn hệ thống trong quá trình liên thông văn bản từ cấp xã lên cấp tỉnh. Về lâu dài, phải tiến hành nâng cấp, tính toán kỹ lưỡng để không rơi vào tình trạng quá tải.
Hợp nhất các đơn vị trực thuộc Sở VH-TTDL
Sáng 2-3, Sở VH-TTDL tổ chức lễ công bố các Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Theo Quyết định của UBND tỉnh, Sở VH-TTDL sắp xếp, tinh gọn 6 đơn vị trực thuộc thành 3 đơn vị. Cụ thể, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai được hợp nhất thành Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai do bà Tôn Thị Thanh Tình (Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh) làm Giám đốc; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai và Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai hợp nhất thành Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai do bà Đồng Thị Quế Anh (Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) làm Giám đốc; Ban quản lý di tích tỉnh và Bảo tàng Đồng Nai sáp nhập thành Bảo tàng tỉnh Đồng Nai do ông Lưu Văn Du (Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai) làm Giám đốc. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2019.
Sở VH-TTDL cũng đã công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành giữ chức Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình từ ngày 1-3-2019.
Nguyệt Hà
Tác giả: Cù Thị Thuận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập