Sáng ngày 8-2, tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Bộ Giao thông - vận tải đã tổ chức lễ thông xe và đưa vào khai thác đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe tuyến đường cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Về đích sớm 1 năm
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty VEC cho biết, dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được triển khai xây dựng từ tháng 10-2009. Chiều dài toàn tuyến là 55km bắt đầu từ nút giao An Phú (Quận 2, TP. HCM) đến nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất) với tổng mức đầu tư là 20.630 tỷ đồng. Quy mô thiết kế đường mỗi bên có 2 làn xe ô tô và một làn dừng khẩn cấp, tốc độ lưu thông cho phép 120 km/giờ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ
Trong quá trình triển khai dự án, việc xây dựng 32 cầu dài 17,5km chiếm gần 1/3 tổng chiều dài toàn tuyến. Ðặc biệt cầu Long Thành vượt sông Ðồng Nai dài 2,35km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại cầu lớn nhất Việt Nam. Do điều kiện địa chất, thủy văn khu vực xây dựng Dự án phức tạp, các đơn vị đã điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của dự án, điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực..., giảm chi phí xây dựng so với dự kiến ban đầu khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Các nhà thầu thi công và giám sát đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cam kết chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.
Ðể phục vụ dự án, TP. Hồ Chí Minh và Ðồng Nai đã giải phóng mặt bằng hơn 437ha, đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời nhiều công trình công cộng. Riêng Ðồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Ðinh Quốc Thái cho biết, dự án đi qua 4 huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất với 1.249 hộ bị ảnh hưởng. Ðồng Nai đã tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tái định cư để giao đất cho chủ đầu tư sớm thi công hoàn thiện tuyến đường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành, địa phương cắt băng khánh thành tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giao thông - vận tải và nỗ lực của các đơn vị, cho đến nay 55 km của toàn tuyến đã được thông xe và đưa vào sử dụng, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông cho các phương tiện so với tuyến Quốc lộ 1. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án, 24 km đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến Long Thành đã được đưa vào khai thác, sau 1 năm đã có hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn và thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 51 trên đường cao tốc. So với thời gian dự kiến, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã về đích sớm trước một năm, hiện chỉ còn một vài hạng mục không đáng kể đang tích cực hoàn thành.
Sẵn sàng nhượng quyền thu phí đường cao tốc
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, để tạo thêm nguồn tài chính cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bên cạnh Ngân sách quốc gia thì Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đầu tư đường cao tốc rất quan trọng nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách, Chính phủ sẵn sàng bán quyền thu phí cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để huy động vốn thực hiện các dự án hạ tầng khác”.
Quy hoạch hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực
Ðường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thông liên vùng. Từ TP. Hồ Chí Minh đi Dầu Giây theo đường cao tốc chỉ mất chưa tới 1 giờ đồng hồ so với gần 3 giờ đi theo Quốc lộ 1; nếu đi về Vũng Tàu giảm còn 1 giờ 30 phút, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đoàn xe ô tô và mô tô diễu hành chào mừng nhân dịp lễ thông xe
Tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá đây là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, các đơn vị thi công đã hoàn thành vượt tiến độ, chất lượng cao. Thủ tướng yêu cầu TP.Hồ Chí Minh, Ðồng Nai cập nhật quy hoạch kinh tế, dân cư, hạ tầng... nhằm đảm bảo đồng bộ sự phát triển về kinh tế, xã hội của toàn khu vực. Việc quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phải đặc biệt lưu ý đảm bảo việc làm cho người dân, nhất là những người bị ảnh hưởng trong vùng.
Một đoạn trên tuyến cao tốc
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, trong đó coi kết cấu hạ tầng là khâu đột phá mạnh mẽ nên sẽ có nhiều dự án khác nữa được xây dựng. Về đường bộ sẽ phấn đấu xây dựng hoàn thiện 3 tuyến đường chiến lược là Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc – Nam. Khu vực Ðồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và lân cận là một cực kinh tế lớn nhất nước nên đầu tư hạ tầng phải đi trước, trong tương lai, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải và các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng để đạt được nhiệm vụ này.
5 năm nữa, Việt Nam có 2.500 km đường cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng cho rằng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhận được sự đồng thuận rất cao của chính quyền và người dân các địa phương cùng sự quan tâm của đối tác thế giới nên tạo được động lực mạnh mẽ cho chủ trương xây dựng tuyến đường. Bộ Giao thông - vận tải phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ xây dựng được 2.500 km đường cao tốc so với 700 km cuối năm 2015 và vượt 500 km so với quy hoạch.
Văn Gia