Đảm bảo hoạt động y tế Tết Ất Mùi

Thứ sáu - 06/02/2015 07:49
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai các hoạt động y tế phục vụ Tết Ất Mùi 2015, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch và đảm bảo hoạt động y tế Tết Ất Mùi” vào sáng 5-2.

Sốt xuất huyết tăng bất thường

Tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng cho biết: Tháng 1-2015, cả nước đã ghi nhận 16 trường hợp mắc ho gà, trong đó có 6 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính ho gà và không có trường hợp tử vong. Các trường hợp bệnh xảy ra tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Tại Ðồng Nai, dù gần Tết nhưng nhiều loại dịch bệnh vẫn còn ghi nhận như bệnh tay - chân - miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), sởi, thủy đậu. Tại BV Nhi đồng Ðồng Nai, trong tháng 1-2015 vẫn còn tiếp nhận các bệnh trên. Trong đó, bệnh SXH: 234 ca, TCM: 215 ca, sởi: 7 ca và thủy đậu: 6 ca. Ðặc biệt, có một ca sốt xuất huyết đã tử vong.
 
Nhận định tình hình trên, BS. Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết bình thường đỉnh dịch của bệnh SXH, TCM là vào tháng 10, nhưng năm nay, đỉnh dịch lại lùi lại vào các tháng 12-2014 và đầu năm 2015. Ðáng chú ý là thời điểm này đã hết mùa mưa nhưng số ca SXH vẫn cao. Ðiều này không phù hợp với quy luật về dịch bệnh.
 
Năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1) tại Bình Phước, Ðồng Tháp. 2 trường hợp trên có tiền sử tiếp xúc và sử dụng thịt gia cầm ốm. Ngoài ra, đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận các ổ dịch cúm A (H5N6) trên gia cầm tại tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm các mẫu virus cúm A (H5N6) ở Việt Nam có sự tương đồng 99% với chủng virus cúm A (H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc. Cục Thú y nhận định, năm 2015 các ổ dịch cúm gia cầm sẽ tiếp tục xuất hiện xung quanh chợ gia cầm sống, khu vực nuôi nhiều thủy cầm, trong khi vi rút H5N6 đã xâm nhập sâu vào nội địa.
 
“Các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: cúm A (H5N1, H7N9, H5N6), bệnh do virus Ebola hiện chưa phát hiện, ghi nhận ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao. Ðặc biệt, virus cúm A (H5N1) vẫn tồn tại trên các đàn gia cầm, thủy cầm. Trong năm 2014, đã có đợt bùng phát cúm A tại 3 địa phương trong tỉnh nên nguy cơ lây lan và gây bệnh trên người là rất lớn”, BS. Ngưỡng cho biết. 
 
Đã có phương án phòng, chống dịch
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có chỉ đạo ngành Y tế tập trung phòng, chống dịch bệnh mùa Ðông - Xuân và phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới; triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh cúm A (H7N9) và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam. Ngành Y tế đẩy mạnh việc tổ chức phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, giảm các trường hợp nặng và hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Ðồng thời, ngành Y tế rà soát trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; duy trì các hoạt động của đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động, trực cấp cứu điều trị bệnh nhân.

 

0602-Dambaohoatdong.jpg
Tuyên truyền phòng dịch bệnh
 
Tại Ðồng Nai, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu Sở Y tế trình Ban chỉ đạo phòng, chống và loại trừ các loại dịch bệnh nguy hiểm tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết theo từng chương trình, dự án. Ðồng thời, huy động các nguồn lực, ban ngành, đoàn thể và toàn cộng đồng cùng tích cực tham gia. Về chuyên môn, Trung tâm phối hợp với các bệnh viện đa khoa tiến hành tập huấn nghiệp vụ phòng, chống dịch cho cán bộ y tế trong và ngoài công lập trên toàn địa bàn. Hệ thống giám sát, cảnh báo và đáp ứng dịch trong toàn tỉnh được duy trì nghiêm, đảm bảo phát hiện sớm và đáp ứng kịp thời ngay từ các trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
 
“Ðối với các loại dịch bệnh lưu hành địa phương (sốt xuất huyết, TCM, sốt rét), Trung tâm sẽ tổ chức điều tra, nắm chắc các yếu tố nguy cơ để can thiệp kịp thời, hiệu quả. Ðáp ứng tình hình bệnh sởi quay lại trên địa bàn, ngành Y tế đã tổ chức các đợt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi. Gần đây là chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1 - 14 tuổi”, BS. Ngưỡng cho hay.
 
Nhằm kịp thời đáp ứng tình huống các bệnh truyền nhiễm tái nổi và mới nổi khác (Ebola, MERS-Cov, dịch hạch, các loại cúm A (H5N1, H7N9) có thể xảy ra, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều tình huống cụ thể để chủ động huy động các nguồn lực tham gia phòng chống. Ðặc biệt, trước tình trạng cúm A (H5N1) tiếp tục có nhiều đợt bùng phát trên các đàn gia cầm, thủy cầm, nguy cơ lây lan và gây dịch trên người, Trung tâm đã kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh giám sát, kiểm soát tình hình lưu hành virus cúm A trên người và trên các loại gia cầm, thủy cầm cũng như việc lưu thông và giết mổ gia cầm, thủy cầm trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất... cho công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được tập trung, sẵn sàng đáp ứng.
 
Khai trương văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh
 
Ngày 3-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã cùng cắt băng khai trương hệ thống điều hành văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh (văn phòng EOC), đặt tại Bộ Y tế. Trong giai đoạn thử nghiệm, văn phòng đã ứng trực 24/24 giờ để nhận và xử lý các thông tin dịch bệnh quốc tế, đặc biệt là dịch Ebola, dịch sởi, cúm gia cầm; đồng thời gửi các thông tin dịch bệnh từ Việt Nam nhằm phối hợp với chuyên gia quốc tế trong đánh giá tình hình dịch và có động thái phòng chống dịch phù hợp.  
 
Thái San 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây