Triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella

Thứ ba - 17/03/2015 00:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:

​​Sau hơn 4 tháng triển khai, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella đã tiêm miễn phí cho trên 620.000 trẻ từ 1 - 14 tuổi trên địa bàn tỉnh. Chiến dịch diễn ra an toàn, thuận lợi, vượt kế hoạch đề ra.

Vượt mục tiêu đề ra

 Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubellacho trẻ từ 1 - 14 tuổi được triển khai tại 11/11 huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa với sự quan tâm, vào cuộc của các ngành liên quan. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc; hoạt động truyền thông, tuyên truyền được đẩy mạnh; công tác hậu cần được chuẩn bị chu đáo. Chiến dịch đã tổ chức 171 điểm tiêm tại trạm y tế và 741 điểm tiêm tại các trường học.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, qua 3 đợt tiêm chủng, toàn tỉnh đã hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho 606.550/620.602 trẻ từ 1 - 14 tuổi, đạt tỷ lệ 97,7%, cao hơn so với mục tiêu, bảo đảm chất lượng, an toàn. Có 37 trẻ có phản ứng nhẹ sau tiêm, không có phản ứng nặng và tai biến xảy ra; tỷ lệ phản ứng sau tiêm giảm dần theo từng đợt chiến dịch. Số chống chỉ định là 374 trẻ, 729 trẻ gia đình không đồng ý tiêm, 1.274 trẻ đã tiêm vắc xin MMR, gia đình chỉ đồng ý tiêm theo lịch hẹn trước đây, có 11.675 trẻ (chiếm 1,88%) chưa tiêm hoặc chuyển đi nơi khác. Toàn chiến dịch có 171/171 xã, phường đạt tỷ lệ tiêm trên 95%.
 
Với những kết quả đã đạt được trong 3 đợt triển khai chiến dịch cho thấy, quá trình giám sát triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp của các cấp, ngành trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ cho chiến dịch được triển khai theo đúng quy định. Đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ các đơn vị y tế khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ đó, chiến dịch diễn ra an toàn, các phản ứng sau tiêm chủ yếu là thông thường và nhẹ trong giới hạn cho phép.
 
Chuẩn bị chu đáo
 
BS. Dương Cường, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vắc-xin và sinh phẩm thuộc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, để tổ chức tốt chiến dịch, Trung tâm YTDP tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn từ tuyến tỉnh đến cơ sở về công tác chỉ đạo và triển khai chuyên môn, kỹ năng cho các cán bộ tham gia chiến dịch. Trung tâm chuẩn bị hơn 620.000 liều vắc-xin, 650.000 bơm tiêm, 625.000 giấy mời trẻ; trên 620.000 giấy xác nhận tiêm chủng và trên 1.600 tài liệu hướng dẫn tiêm chủng.
 
Tiêm chủng vắc-xin sởi - rubella cho học sinh Trường tiểu học Hóa An (TP. Biên Hòa)
 
Trên cơ sở rút kinh nghiệm qua từng đợt triển khai chiến dịch, Trung tâm YTDP tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo, tích cực hơn. Trong đó, công tác rà soát, lập danh sách đối tượng được quan tâm thực hiện sát sao. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; trạm y tế các xã, phường, thị trấn, các trường tiểu học trên địa bàn rà soát lại danh sách các đối tượng, quan tâm điều tra cả các đối tượng không đi học nhưng đang sinh sống tại cộng đồng, trẻ vãng lai từ nơi khác về địa phương… nhằm đảm bảo tất cả số trẻ trong độ tuổi từ 1 - 14 tuổi đều được lập danh sách, không bỏ sót đối tượng, ảnh hưởng đến quyền lợi được phòng, chống dịch bệnh của trẻ.
 
Rút kinh nghiệm từ đợt 1 của chiến dịch, ngành Giáo dục - đào tạo đã tăng cường chỉ đạo các trường gửi giấy mời cho phụ huynh học sinh trước lịch tiêm ít nhất 5 ngày để phụ huynh có sự chuẩn bị, thu xếp công việc, đưa con em đi tiêm. Quan tâm hướng dẫn phụ huynh học sinh điền đầy đủ thông tin ở mặt sau của giấy mời và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm trước ngày tiêm chủng ít nhất 1 ngày. Đối với trẻ học mẫu giáo, yêu cầu phụ huynh hoặc người giám hộ của trẻ phải có mặt vào ngày tiêm chủng.
 
Để các nội dung của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella đến được với các gia đình, các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm chủng, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục - đào tạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Từ pa nô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi đến tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương, giúp các gia đình, các bậc phụ huynh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiêm chủng để phòng, chống dịch bệnh cho con em.
 
Ở các điểm tiêm lưu động tại các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ cơ sở, trạm y tế các xã, phường, thị trấn chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo thực hiện buổi tiêm chủng an toàn. Trong đó, chú ý bố trí đầy đủ các khu vực theo quy trình tiêm chủng một chiều, từ khu vực đón tiếp, phòng khám phân loại, phòng tiêm, phòng chờ sau tiêm… đảm bảo khoa học, thuận tiện. Thực hiện công tác tư vấn, theo dõi sau tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ có biểu hiện đau đầu, chóng mặt… thì thực hiện cách ly trẻ riêng biệt và chăm sóc y tế tránh “phản ứng dây chuyền”. Đồng thời, giải thích cho các phụ huynh hiểu tác dụng phụ thường thấy sau khi tiêm vắc-xin sởi - rubella gồm sốt nhẹ, phát ban, sưng nhẹ và đau tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng. Những tác dụng phụ này đều hết sức bình thường và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Với hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ phục hồi trong vòng 2 - 3 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Rất hiếm gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm chủng nói chung và tiêm vắc-xin sởi - rubella nói riêng…
 
Theo BS. Cường, mặc dù công tác tiêm chủng đã diễn ra an toàn, thuận lợi, song trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như: phụ huynh chưa quan tâm điền đầy đủ thông tin vào mặt sau của giấy mời; việc điều tra số trẻ trong độ tuổi ở một số đơn vị chưa đầy đủ, nhất là đối tượng trẻ sống trong khu dân cư; quy trình tiêm chủng tại một số điểm chưa thành thục; xuất hiện “phản ứng dây chuyền” ở một số địa phương…
 
Anh Thư
 

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây