Trong 4 tập của bộ Biên Hòa sử lược toàn biên do sử gia Lương Văn Lựu (1916-1992) thực hiện (gồm: Trấn Biên cổ kính, Biên Hùng oai dũng, Đồng Nai thơ mộng và Biên Hòa tân tiến) thì tập 1 của bộ sách này là Trấn Biên cổ kính vừa được Trung tâm Văn miếu Trấn Biên phối hợp cùng Nhà xuất bản thế giới tái bản lần thứ nhất (quý I-2015).
Cuốn sách được tái bản tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người trẻ có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử của một vùng đất gắn liền với danh xưng Trấn Biên và Văn miếu Trấn Biên xưa. Điều này còn thể hiện sự tri ân và trân trọng những đóng góp của sử gia Lương Văn Lựu đối với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Một tài liệu quý
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sau bộ Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì Biên Hòa sử lược toàn biên của tác giả Lương Văn Lựu là tác phẩm được thực hiện công phu và sớm nhất viết về vùng đất Trấn Biên xưa - Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng và cả khu vực Nam bộ ngày nay.
Toàn cảnh Văn miếu Trấn Biên.
Trong tập 1 Trấn Biên cổ kính, tác giả chia nội dung của sách làm 7 phần để tiện cho người đọc tra cứu, gồm: Liên hệ Quốc sử, Di tích xưa, Phong tục tập quán, Tín ngưỡng, Hồn thiêng sông núi, Cảnh sắc thiên nhiên và Phụ đính.
Trong phần Liên hệ Quốc sử, ngoài các mục, tiêu đề giới thiệu các thời kỳ lịch sử, tổ chức bộ máy hành chính và sự phát triển tại vùng đất Trấn Biên, như: Dinh Trấn Biên dưới thời Tây Sơn, Trấn Biên Hòa được kinh doanh dưới thời Nguyễn Vương... thì phần văn miếu và khoa cử gắn với địa danh Văn miếu Trấn Biên được tác giả giới thiệu cặn kẽ từ việc chọn vị trí, năm xây dựng Văn miếu Trấn Biên: “Ở Trấn Biên, văn miếu được xây cất tại thôn Tân Lại, Tân Thành, huyện Phước Chính (tọa lạc tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa ngày nay), cách trấn thành 2 dặm về phía Tây Bắc. Địa điểm này do quan Trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức lựa chọn vào năm Ất Mùi 1715. Phía Nam trông ra sông Phước Long (Đồng Nai). Phía Bắc dựa vào núi Long Ẩn, khung cảnh thật là hùng vĩ” (trang 78-79).
Phần này cũng miêu tả chi tiết các hạng mục, công trình của Văn miếu Trấn Biên xưa: “Trước văn miếu có biển khắc ba chữ “Khải Thánh Điện”. Phía Đông có “Thần khố” (kho giữ đồ thờ). Chính giữa sân, trước “Đại Thánh điện” là “Khuê Văn Các”. Trong miếu cột kèo chạm trổ kiểu cách, tinh xảo. Văn miếu thờ Thánh Khổng (Khổng Tử) tại Nhà Bái Đường, được giới bình dân địa phương gọi tắt là Văn Thánh” (trang 79).
Cùng với các tài liệu lịch sử khác, những ghi chép của sử gia Lương Văn Lựu là một trong những tư liệu quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai khởi công xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên vào ngày 9-12-1998 trên nền móng cũ. Công trình được hoàn thành vào ngày 14-2-2002, với các hạng mục kiến trúc được phục dựng như trong sử sách ghi chép: Văn miếu Môn; Nhà Bia, Khuê Văn Các; hồ Thiên Quang Tỉnh; Nhà thờ Khổng Tử; Nhà Bái Đường...
Bên cạnh đó, cuốn sách còn cho người đọc cái nhìn tổng thể về chế độ khoa cử của đất nước nói chung, Trấn Biên nói riêng dưới thời nhà Nguyễn: “Năm 1710, Võ vương Nguyễn Phước Khoát định lại phép thi. Cho mở khoa thi Hương để lấy người có học ra làm quan. Năm 1822, tức là năm Minh Mạng thứ ba, mở thêm khoa thi Hội và thi Đình để lấy cấp tiến sĩ. Cứ ba năm thì triều đình cho mở Hương thi một lần tại Gia Định. Học sinh ở Biên Hòa, muốn dự thi Hương phải qua các giai đoạn...” (trang 82).
* Tấm lòng của người con xứ bưởi
Để có được bộ Biên Hòa sử lược toàn biên, trong đó có cuốn Trấn Biên cổ kính để lại cho hậu thế như ngày hôm nay, sử gia Lương Văn Lựu đã bỏ ra 30 năm ròng (từ năm 1941 đến năm 1971) để cất công tìm kiếm, chắt lọc thông tin và chấp bút. Như lời chia sẻ của ông viết trong cuốn sách: “Tôi đã đọc nhiều bộ sử Việt, tham khảo sách báo đông tây kim cổ, quan sát phong tục tập quán tự ngàn xưa, ở từng vùng, theo dõi sự tiến triển của khoa học, tình hình diễn biến của tỉnh nhà trên mọi mặt, mọi ngành” và “gom nhặt từng mảnh sử liệu vụn vặt ở mỗi nơi, ghi chép từng mẩu chuyện truyền khẩu ở mỗi vùng, giẫm chân lên gần hết miền đông, từ thành thị đến thôn quê...”.
Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy, người có nhiều năm gắn bó với sử gia Lương Văn Lựu và cũng là người tham gia hiệu đính cuốn Trấn Biên cổ kính, cho biết để có được bộ Biên Hòa sử lược toàn biên, trong đó có cuốn Trấn Biên cổ kính, sử gia Lương Văn Lựu đã mày mò và làm việc miệt mài hàng chục năm. Từng tên sông, tên đất, từng sự kiện lịch sử được ông đề cập trong cuốn sách là vốn quý cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa về vùng đất Trấn Biên này.
Tuy được giới chuyên môn đánh giá cao về những nội dung mà cuốn sách truyền tải nhưng với sử gia Lương Văn Lựu, ông chỉ nhận mình là người gom nhặt sử liệu vụn vặt, là kẻ lữ hành nhỏ bé trên con đường sử học: “Tôi không có cao vọng theo con đường của một Ngô Sĩ Liên, một Phan Huy Chú, một Trần Trọng Kim, một Phạm Văn Sơn, nhưng chỉ vì nặng tình bản sở, mà làm kẻ lữ hành nhỏ bé, đi từ bước một trên đường sử học…” với mục đích giản đơn nhưng hết sức cao đẹp: “Chỉ vì tha thiết với đất mến yêu mà một công dân biên soạn bộ sử của tỉnh nhà”.
Văn Truyên