Theo nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh có sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy lưu thông qua hướng cầu Ghềnh, từ khi cầu sập, vận tải qua khu vực này tê liệt gây khó khăn và thiệt hại rất lớn. Vào sáng 23-3, vận chuyển đường thủy qua cầu Ghềnh được thông giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh lo.
Sau 3 ngày nằm chờ, thiệt hại không nhỏ, sáng 23-3, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam tổ chức điều tiết cho phép phương tiện thủy lưu thông qua khoang thông thuyền phụ (khoang số 4) cầu Ghềnh nằm phía bờ phải phường Bửu Hòa. Thời gian lưu thông từ ngày 23-3 đến ngày 28-3-2016. Như vậy, tạm thời tàu thuyền có trọng tải lớn nhất là 400 tấn (có thể lưu thông 2 chiếc/lần) được phép lưu thông qua cầu Ghềnh, giảm bớt ách tắc và thiệt hại cho doanh nghiệp, cơ sở vận tải bằng đường thủy.
* Thiệt hại lớn
Ông Lê Hoàng Danh, chủ chiếc tàu chở vật liệu đang neo tại sông Đồng Nai đoạn qua xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa), nói: “Theo lịch trình, tàu của tôi sẽ chở đá về tỉnh Long An vào trưa 20-3. Song chưa kịp đi thì cầu Ghềnh sập nên buộc phải ngưng lại ven sông để chờ lực lượng chức năng xử lý đến sáng 23-3 mới lưu thông được. Thông thường, tàu của tôi vận chuyển 1 chuyến/ngày, nên khi bị ách tách lại 3 ngày tôi mất trên 6 triệu đồng”.
Công nhân Công ty vận tải Bằng Phú đang chuyển hàng lên tàu tại Ga Hố Nai.
Khảo sát thực tế cho thấy, riêng tại khúc sông Đồng Nai, đoạn qua xã Tân Hạnh, Hóa An sáng sớm ngày 23-3 có trên 30 tàu, xà lan lớn nhỏ đã đổ đầy cát, đá, gạch... chờ sẵn thông luồng đoạn cầu Ghềnh sẽ đi qua. Đây là tuyến đường thủy huyết mạch để chở hàng hóa từ xã Tân Hạnh, Hóa An (TP.Biên Hòa), huyện Vĩnh Cửu và tỉnh Bình Dương về các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây và ngược lại.
Ông Hồ Ngọc Liệp, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, cho hay: “Gần 80% khối lượng đá công ty khai thác (tương đương gần 10 ngàn m3/ngày) tại các mỏ ở huyện Vĩnh Cửu phải vận chuyển bằng đường thủy lưu thông qua khu vực cầu Ghềnh. Nhưng từ thời điểm cầu sập, chúng tôi phải ngưng lại hết. Giao thông đường thủy tê liệt 3 ngày liền, công ty buộc giảm sản xuất và mỗi ngày thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”. Cũng theo ông Liệp, cầu Ghềnh thông tuyến sớm doanh nghiệp bớt được thiệt hại.
Trong 3 ngày qua, một số doanh nghiệp vì cần hàng gấp, đành chấp nhận vận chuyển bằng đường bộ, chi phí vận chuyển tăng gấp 2-3 lần. Còn lại một số doanh nghiệp, chủ cơ sở phải qua phường Tân Vạn (TP. Biên Hòa) thuê bãi cho tàu, thuyền đáp lại để chuyên chở vật liệu bằng xe ô tô từ xã Hóa An, Tân Hạnh, tỉnh Bình Dương qua đưa lên tàu tốn rất nhiều công và chi phí. Vì vậy, cầu Ghềnh cho tàu thuyền lưu thông, các doanh nghiệp, cơ sở vận chuyển bằng đường thủy đều thở phào nhẹ nhõm.
* Vận tải đường sắt: Vẫn tắc nghẽn
Ông Trần Duy Huân, nhân viên Công ty vận tải Bằng Phú (tỉnh Bình Dương), cho biết công ty ông chuyên giao hàng cho các doanh nghiệp từ miền Nam ra miền Bắc bằng tàu hỏa. Trung bình mỗi tuần giao hơn 50 toa hàng từ Ga Sóng Thần (Bình Dương) đến Ga Giáp Bát (Hà Nội). Từ khi cầu Ghềnh bị sập, tàu không đến được Ga Sóng Thần nên công ty phải đưa hàng đến Ga Hố Nai để lên tàu khiến chi phí bị đội thêm. Theo ông Huân, việc đáng lo hơn của doanh nghiệp là lượng hàng giao không kịp bởi Ga Hố Nai khá nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu. “Chúng tôi đăng ký với công ty đường sắt có được toa nào hay toa đó, bởi nhiều doanh nghiệp hiện cũng trong tình trạng ách tắc hàng. Các đơn hàng vận chuyển lẻ không đủ một toa tàu nên hiện giờ chúng tôi không nhận giao nữa” - ông Huân chia sẻ.
Ông Huân cũng cho biết thêm, doanh nghiệp vừa phải làm việc với các hãng vận tải biển để đưa hàng ra Bắc bằng đường thủy cho kịp. Việc giao hàng bằng đường sắt vốn đã quen nhiều năm, đến nay phải chuyển sang đường biển công tác giao nhận hàng của doanh nghiệp bị xáo trộn khá nhiều. Công ty Bằng Phú là một trong nhiều doanh nghiệp đang bị tắc nghẽn hàng ở tỉnh Bình Dương cũng như TP.Hồ Chí Minh khi cầu Ghềnh sập khiến tàu hỏa không thể đến được các ga lớn như Sóng Thần và Hòa Hưng (TP.Hồ Chí Minh).
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho biết khi cầu Ghềnh chưa xảy ra sự cố, mỗi ngày trung bình lượng hàng hóa vận chuyển đến các Ga Sóng Thần và Hòa Hưng khoảng 5 ngàn tấn. Hiện tại Ga Hố Nai năng lực xếp dỡ hàng đáp ứng được 2 đôi tàu (khoảng 1.400 tấn hàng), trong khi nhu cầu lên đến 7 đôi tàu khiến cho lượng hàng hóa bị ngưng trệ khá nhiều.
Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, khoảng 20 ngày nữa ngành mới hoàn tất việc lắp đặt thêm những đường xếp dỡ tại 3 ga: Long Khánh, Trảng Bom và Hố Nai. Khi các đường ray xếp dỡ được tăng cường ở các ga này sẽ tăng được 5 đôi tàu hàng hoạt động, lúc đó đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu lượng hàng hóa vận chuyển so với bình thường. Ông Tùng cũng cho rằng, đến nay chưa thống kê được nhưng thiệt hại của ngành đường sắt trong vụ sập cầu Ghềnh là rất lớn.
Hương Giang - Khắc Giới