Trong 5 năm qua, các cấp chính quyền huyện Long Thành đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề phù hợp cho người dân sinh sống ở vùng nông thôn, nhất là những hộ có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án trọng điểm. Hàng ngàn lao động nông thôn có được một nghề thích hợp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và góp phần cùng địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khấm khá nhờ thạo nghề
Xã Bình Sơn vài năm trở lại đây đã trở thành vùng chăn nuôi gà thả vườn nổi tiếng không chỉ của huyện Long Thành mà trên quy mô cả tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. Cũng như nhiều hộ nông dân khác ở vùng đất này, gia đình ông Lê Hy ở ấp 7 khấm khá lên cũng nhờ nghề nuôi gà thả vườn. Ông kể, trước đây, gia đình chỉ dám nuôi gà thịt thả vườn với số lượng hạn chế vài trăm con vì luôn lo sợ dịch bệnh. Sau khi học xong lớp dạy kỹ thuật nuôi gà do Phòng kinh tế huyện tổ chức, ông đã mạnh dạn tăng đàn. “Sau khi học xong lớp đào tạo chăn nuôi gà, rồi về áp dụng cho trại gà của mình thì tôi thấy rất là thành công. Từ kỹ thuật úm gà, cách sử dụng thuốc, vắc xin đến cách nhận biết phòng bệnh cầu trùng, bệnh hô hấp như thế nào cũng dựa vào cái khóa học đó rất nhiều”, ông Lê Hy phấn khởi kể.
Nhờ ứng dụng những kỹ thuật tiếp thu mà đàn gà của ông luôn phát triển mạnh, tăng trọng nhanh, giảm tỷ lệ hao hụt từ 10% xuống còn dưới 5%. Tùy theo thời giá, mỗi đợt xuất chuồng bán 1.000 con gà ông Hy lời từ 8 - 30 triệu đồng. Cùng với việc nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gà, cộng với số tiền đền bù cho phần đất bị thu hồi để xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, gia đình ông liên tục tăng đàn gà, cao điểm nhất là nuôi đến 8.000 con, thậm chí là 12.000 con gà vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Trường hợp thành công và tự tin trong làm ăn của ông Lê Hy là khá phổ biến trong số hàng ngàn nông dân huyện Long Thành sau khi được đào tạo nghề. Theo các ngành chức năng của huyện Long Thành, sau 5 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Long Thành, đã có 2.771 nông dân các vùng bị thu hồi đất trong toàn huyện được đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đây được xem là kết quả khả quan, trong đó nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền và các đơn vị dạy nghề đã mạnh dạn đổi mới phương pháp đào tạo, bổ sung thêm các nghề phù hợp với thực tế. Song song đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề phù hợp với từng khu vực nông thôn, đã giúp cho người lao động nhìn thấy được lợi ích của việc học nghề mà không bỏ dở giữa chừng rồi rơi vào cảnh thất nghiệp.
Đổi mới, nâng cao công tác đào tạo nghề
Từ thành công ban đầu này, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Long Thành dự kiến sẽ đào tạo nghề cho trên 2.400 lao động nông thôn. Đối tượng được học nghề sẽ bao gồm cả lao động là người tàn tật, con em gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ… Đặc biệt, sắp tới đây trên địa bàn huyện Long Thành sẽ triển khai xây dựng các dự án lớn chiếm nhiều diện tích đất canh tác như: Khu phức hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Amata, Sân bay quốc tế Long Thành thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn lại càng trở nên cấp thiết hơn. “Nông dân vốn quen việc đồng áng nhưng bây giờ bị quy hoạch nên không còn đất để canh tác hay là diện tích đất bị thu hẹp do đó buộc phải chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Trong đào tạo nghề, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những người lớn tuổi hay học vấn thấp, đây là những đối tượng khó có khả năng vào làm ở các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, đào tạo nghề là giải pháp hiệu quả nhất giúp người dân sử dụng số tiền đền bù đúng mục đích ngay tại nơi sinh sống”, Phó trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Long Thành Doãn Thị Nhàn nói.
Nông dân 2 xã Bình Sơn và Bình An đang tham dự lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm
Điểm đáng chú ý khác trong công tác đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn vùng bị thu hồi đất là sẽ chú trọng hơn đến việc nâng cao kỹ năng làm nông hiện đại. Cụ thể, bên cạnh các nghề phi nông nghiệp được đào tạo lâu nay như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, cắt tóc, trang điểm, lái xe nâng, huyện Long Thành sẽ đẩy mạnh đào tạo các nghề nông nghiệp như: kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp, nấm, cây ăn trái; kỹ thuật nuôi heo, gà, bò, dê... phù hợp với từng khu vực nông thôn trên địa bàn, để tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Tài Trí