Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Từ đó, tạo động lực, khích lệ hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu.
Những tỷ phú nông dân
Ông Ðoàn Trung Ngọc, là một tấm gương nông dân tiêu biểu vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom. Trước đây với 1,5 ha vườn tạp trồng mía và chôm chôm dù quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống của gia đình ông vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2009, được sự vận động của chính quyền và Hội Nông dân xã, ông Ngọc mạnh dạn phá bỏ 1,5 ha vườn tạp hiệu quả kinh tế thấp để chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây thanh long phát triển rất tốt, cho năng suất cao ngoài mong đợi. Ngoài ra, ông còn kết hợp thả cá và nuôi heo rừng. Với mô hình kết hợp trồng thanh long ruột đỏ và thả cá, nuôi heo rừng, số tiền ông Ngọc thu về hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán với giống mãng cầu na hạt lép đặc sản do bà tự lai ghép thành công
2 năm sau, gia đình ông quyết định mua thêm 2 ha để trồng thanh long, đồng thời bỏ ra hơn 100 triệu đồng kéo đường điện hạ thế vào vườn trồng thanh long, phục vụ việc sản xuất và chiếu sáng. Không dừng lại ở đó, ông Ngọc tiếp tục vay vốn đầu tư mua thêm 4 ha đất tại khu vực Suối Dâu, xã Tây Hòa để trồng thêm 5.000 gốc thanh long, với mong muốn liên kết để xây dựng thương hiệu lớn về thanh long ruột đỏ. Ðến nay, ông Ngọc đã có trong tay 8 ha thanh long ruột đỏ, với thu nhập bình quân hằng năm trên 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, từ một giáo viên dạy học, sau khi rời bỏ nghiệp “phấn trắng bảng đen”, bà Nguyễn Thị Kim Mai, xã Phú Ngọc, huyện Ðịnh Quán quyết bắt tay làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Mạnh dạn chuyển đổi 30 ha đất vườn vốn trồng các loại cây tạp cho giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây đặc sản được thị trường ưa chuộng như: xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu hạt lép, bơ sáp. Ðặc biệt, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi bà Mai đã lai ghép thành công giống mãng cầu na hạt lép. Theo bà Mai, đây là giống mãng cầu được bà cất công tìm về, tự tay ghép mà thành. “Một lần đi Lạng Sơn chơi, tôi được mời ăn loại mãng cầu này, thấy trái quá ngon nên hỏi thăm nơi trồng. Ở đây chỉ có một cây duy nhất, tôi đã trả 8 triệu đồng để mua được cây giống mãng cầu này đem về trang trại”, bà Mai kể. Nhờ nhân giống bằng phương pháp ghép chồi vào gốc cây mãng cầu có sẵn nên chỉ 18 tháng, cây cho bói quả. Ðến nay, trang trại của bà đã phát triển được 4 ha mãng cầu hạt lép này, trong đó, hơn 1 ha đang cho thu hoạch. Với nhiều ưu điểm, như: cơm dày, chất thịt dai, vị ngọt đậm đà, trái lớn có trọng lượng từ 0,5 - 1,2 kg/trái nên hiện giá bán tại vườn loại quả này khoảng 80.000 đồng/kg. Nhờ đó, riêng từ mãng cầu na, mỗi vụ bà Mai cũng thu về gần 500 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ xoài, bơ... mỗi năm trang trại của bà Mai cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Ông Lê Bửu Châu, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong những phong trào trọng tâm nhất của Hội. Trong 5 năm qua (2010-2015), hằng năm, có trên 140.000 hộ nông dân đăng ký thi đua nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong đó, bình quân có khoảng 80.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp (đạt 57%).
Từ sức lan tỏa của phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như: hộ ông Võ Hữu Thời (xã Lộc An, huyện Long Thành); Trần Hoàng Tuấn (xã Núi Tượng, huyện Tân Phú); Nông Văn Biến (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ)...
Hỗ trợ tối đa cho nông dân
Không chỉ là người đi tiên phong trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ phát triển trên vùng đất Trảng Bom, ông Ðoàn Trung Ngọc còn luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân khác, nhất là với nông dân nghèo. Ông đã hỗ trợ 10.000 hom giống thanh long và bán trả chậm 80.000 hom cho các hộ trồng giống đặc sản này. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền đầu tư đường điện vào tận vườn thanh long của gia đình tại xã Hưng Thịnh và cho những hộ nghèo sử dụng miễn phí đường điện này.
Có thể nói, nét nổi bật nhất trong phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là những hộ nông dân có điều kiện kinh tế đã cùng giúp đỡ hộ nghèo về vốn, vật tư, cây con giống và kinh nghiệm sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp số tiền gần 22 tỷ đồng, hơn 74.000 ngày công và hàng trăm kg cây, con giống để giúp đỡ hàng ngàn hộ nông dân nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Theo ông Lê Bửu Châu, để phong trào phát triển đạt hiệu quả, những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 26 lớp học về nâng cao kỹ năng tin học cho gần 800 cán bộ, hội viên nhằm tạo điều kiện chuyển giao những ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đến nông dân. Ðồng thời, phối hợp dạy nghề cho gần 25.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Ðặc biệt, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong 5 năm qua đã có 450 hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay để phục vụ sản xuất. Ði kèm với đó, các cấp Hội Nông dân cũng đã phối hợp với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm để giúp bà con nông dân giảm bớt áp lực “đầu vào”. “So với khi mua trực tiếp từ các cửa hàng, việc được mua phân bón trả chậm do Hội Nông dân xã phối hợp với các doanh nghiệp thì chúng tôi có nhiều lợi ích hơn, bởi ngoài việc được trả chậm thì giá cả cũng rẻ hơn mà lại yên tâm về chất lượng”, anh Phạm Ðình Ðồng, xã viên Hợp tác xã Tiền Phong, huyện Xuân Lộc cho biết.
Trong năm 2015, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động xây dựng, trao tặng 184 căn nhà tình thương với tổng giá trị gần 7 tỷ đồng cho các hộ nông dân khó khăn về nhà ở. Trong đó, Hội Nông dân trực tiếp vận động được 23 căn trị giá 763 triệu đồng.
Tùng Văn