Quy hoạch vùng phụ cận và hệ thống giao thông kết nối Sân bay quốc tế Long Thành

Thứ năm - 29/10/2015 08:51
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tự động phát:
​​Cùng với việc xin cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, thời gian qua, UBND tỉnh Ðồng Nai đã chủ động trong công tác quy hoạch vùng phụ cận và xây dựng hạ tầng kết nối nhằm khai thác tốt những giá trị mà Sân bay quốc tế Long Thành sẽ mang lại.
 
Quản lý chặt chẽ đất đai, quy hoạch 4 vùng kinh tế
 
Trên cơ sở quy hoạch Sân bay quốc tế Long Thành của Trung ương, Ðồng Nai cũng đang tính toán quy hoạch, xây dựng khu vực lân cận sân bay với diện tích khoảng 21.000 ha  thành 4 vùng kinh tế dựa trên những lợi thế có sẵn của địa phương.

 

Vùng 1 ở khu vực phía bắc sân bay có diện tích 5.700 ha sẽ trở thành khu tái định cư, khu đô thị mới đa chức năng với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp, văn hóa, thể thao… đồng bộ, gắn liền với sự phát triển về hướng nam của TP. Biên Hòa, tạo thành một chuỗi phát triển đô thị trong tương lai.

 


Trong tương lai, những con đường đất đỏ như thế này sẽ được thay thế bằng các tuyến giao thông hiện đại kết nối vào Sân bay quốc tế Long Thành
 
Vùng 2 là khu vực phát triển quan trọng về hướng nam sân bay rộng 4.400 ha hướng ra sông Ðồng Nai, tiếp giáp với huyện Nhơn Trạch sẽ là khu vực đô thị cung cấp các dịch vụ vận tải, trung chuyển quốc tế, xuất nhập khẩu, logistics.
 
Vùng 3 phía đông bắc và tây nam sân bay rộng khoảng 11.000 ha. Do đây là hướng cất, hạ cánh của máy bay nên khu vực này bố trí chủ yếu khu dân cư nông thôn, hạn chế phát triển đô thị, nhà cao tầng.
 
Vùng 4 phía đông nam sân bay, gắn với hồ Cầu Mới sẽ là khu vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cho du khách với diện tích 830 ha.
 
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân, các vùng phát triển này được gắn liền với việc quy hoạch phát triển địa phương trong tương lai. Hiện tại huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng cùng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) tiến hành lập quy hoạch chi tiết phát triển của 4 vùng kinh tế tiếp giáp sân bay và cả huyện nói chung.
 
Vấn đề đang đặt ra là phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai vùng ven sân bay để phù hợp với các quy hoạch nêu trên. Theo ông Ngô Thế Ân, hiện nay trong khu vực quy hoạch có một số dự án đầu tư nhỏ, có thời hạn đã được giới thiệu địa điểm từ trước đó, huyện đang rà soát lại để có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, do triển vọng từ việc sẽ xây dựng một sân bay quy mô, hiện đại nên trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư, đầu cơ đất đai quanh khu vực sân bay ngày càng gia tăng khiến việc quản lý ngày càng phức tạp, khó khăn.
 
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, cần phải quản lý chặt chẽ đất đai, dân cư trong vùng ảnh hưởng dự án ngay từ hiện nay bởi nếu buông lỏng sẽ rất khó cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ xây dựng sân bay. Chủ trương của tỉnh là sẽ không cấp phép đầu tư các dự án dân cư, công trình xây dựng lớn tại những địa điểm ảnh hưởng tới việc cất, hạ cánh của sân bay, đặc biệt là khu vực tây bắc và đông nam (từ quốc lộ 51 đi vào sân bay). Những dự án đã có giới thiệu địa điểm từ trước thì xem xét hạn chế quy mô và thời gian cấp phép, thậm chí có thể thu hồi nếu cần thiết vì đây đa phần là dự án nhỏ. Song song đó, đối với 4.730 hộ dân thuộc 6 xã bị ảnh hưởng, do sẽ phải tái định cư trong thời gian sớm nhất nên không cho phép tách hộ nữa để thuận tiện trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, lên phương án tái tạo việc làm, ổn định thu nhập khi di dời.
 
Chủ động quy hoạch cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đồng bộ
 
Xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành là dự án lớn của Trung ương, còn trách nhiệm của địa phương là phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sân bay như cung cấp điện nước, xử lý nước thải và đặc biệt là giao thông kết nối với các tuyến đường chính trong vùng.
 
 
Sơ đồ quy hoạch vùng xung quanh sân bay
 
Hiện tại, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đi qua khu vực lân cận sân bay đã và đang được xây dựng như tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 51, đường vành đai 3… là một lợi thế lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển của Ðồng Nai và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong tương lai, đây sẽ là những con đường chính vận chuyển hành khách từ sân bay đến các địa phương và ngược lại, trong đó những con đường hướng tâm vào TP. Hồ Chí Minh là quan trọng hơn cả.
 
Vấn đề là việc quy hoạch chi tiết giao thông kết nối từ những tuyến đường này với sân bay sẽ được tính toán như thế nào để đạt hiệu quả cao. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các ngành chức năng phải chú ý quy hoạch bài bản, chặt chẽ ngay từ đầu xung quanh các vùng máy bay lên, xuống. Quy hoạch vùng xung quanh sân bay phải có tầm nhìn để khi có nhu cầu phát triển tiếp có thể thực hiện được. Cần quan tâm đến hạ tầng từ sân bay ra đường cao tốc, thuận tiện cho hành khách và giảm áp lực cho quốc lộ.
 
“Chúng ta phải tính toán trước những nhu cầu cấp thiết của sân bay như điện, nước, giao thông chứ nếu không sau này sẽ rất khó để điều chỉnh và đây là việc của địa phương chứ không thể đợi ai làm thay được. Giải phóng mặt bằng, quan tâm đến an sinh xã hội cho các hộ bị giải tỏa là quan trọng nhưng hạ tầng kết nối cũng phải được tính tới một cách chủ động”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh khi giao trách nhiệm cho sở, ngành liên quan.
 
Gia Văn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sân bay
Chuyển đổi số
Pháp luật
Đăng ký
Thông tin khởi nghiệp
Đánh giá
Bộ pháp điển
Thư viện
Thống kê truy cập

Hôm nay

3,168

Tổng lượt truy cập

555,781,675
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây